Video

Tạo sinh kế cho người nghèo

Thứ Ba, 20/12/2016 08:33 Lượt xem: 8977 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 04 –NQ/TU ngày 18/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020. Những năm qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tiếp sức cho người nghèo, tạo sinh kế để họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Cho cần câu, chứ không cho con cá” là mục đích để người nghèo có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Từ sự đầu tư của nhà nước, người nghèo đã tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó là hơn 40 nghìn hộ nghèo trong toàn tỉnh đã được tiếp cận với các nguồn vốn. Trong 5 năm (2011- 2015), toàn tỉnh đã huy động được hơn 12 nghìn tỷ đồng, đầu tư các công trình, dự án, hỗ trợ cây, con giống cho người nghèo. Từ các nguồn vốn, người nghèo đã từng bước vươn lên. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm trên 50%, thì đến hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống dưới 28% (theo chuẩn nghèo cũ). Đã có hàng chục nghìn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, làm giàu thông qua các nguồn vốn được vay.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã được cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc nhằm mục đích giúp người nghèo có cuộc sống ổn định, đồng thời nâng mức thu nhập của người nghèo. Hình ảnh những người lính biên phòng giúp nhân dân các xã biên giới khai hoang ruộng bậc thang, cách trồng lúa nước trở nên thân quen với đồng bào các dân tộc. Hay cán bộ chiến sỹ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379 cùng ăn, cùng ở, cùng hướng dẫn bà con sản xuất, chăn nuôi. Các anh bộ đội về với bản làng, đã mang hơi ấm của Đảng, Nhà nước về với đồng bào; mang khoa học kỹ thuật đến cho bà con; cùng bà con lao động sản xuất. Những quả đồi hoang, có bàn tay công sức của người lính Bộ đội Cụ Hồ và sự đồng lòng của người dân, giờ đây đã trở thành những thửa ruộng bậc thang, đem lại cơm no, áo ấm cho người dân.

Người nghèo được tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã từng bước chủ động vươn lên thoát nghèo, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Ở các xã vùng cao, biên giới của các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà... trong các bữa cơm, người dân vẫn nói về công lao của cán bộ chiến sỹ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379 đã giúp dân cách trồng lúa, ngô giống mới, năng suất cao, cách phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi... Hay những kênh mương, thửa ruộng mà chiến sỹ cùng bà con đầu tư làm đến nay đã mang lại sinh kế cho người dân.

Để người dân thoát nghèo bền vững, ổn định, có sinh kế lâu dài, những năm qua thông qua các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a, Chương trình 167... đã thực sự có ý nghĩa với người nghèo; bà con đã được Nhà nước hỗ trợ cây, con giống, khoa học kỹ thuật để vươn lên làm giàu.

Đã có hàng chục nghìn hộ nghèo được hưởng lợi từ các dự án của Nhà nước. Lợn, dê, trâu, bò giống… được cấp miễn phí cho người nghèo đã thực sự thổi luồng sinh khí mới vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Người nghèo đã có cần câu, họ biết làm gì để vươn lên có cuộc sống tốt hơn.

Cùng với đó là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2011 - 2015, đã có trên 40 nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề. Nhiều người sau khi được đào tạo nghề đã tự vươn lên thoát nghèo thông qua các kiến thức về nghề đã được đào tạo.

Mường Ẳng là một trong những huyện làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Những đồng vốn vay qua các tổ chức tín dụng, con giống của Nhà nước cấp phát cho người nghèo đã phát huy hiệu quả. Người nghèo đã sử dụng đồng vốn có hiệu quả trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ bà con đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi hàng hóa, cho mức thu nhập cao.

Đến thăm nhà chị Lò Thị Hiệp, bản Củ, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng,  một trong những hộ nghèo nhờ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách, đã vươn lên thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm. Những đàn lợn xuất chuồng đã giúp gia đình chị tích lũy đồng vốn, xây được nhà khang trang, nuôi 2 con ăn học.

Mường Ẳng thực sự là lá cờ đầu trong xóa đói giảm nghèo của tỉnh, trung bình mỗi năm huyện giảm được 6,3% hộ nghèo. Năm 2011 toàn huyện còn 68,5% hộ nghèo thì đến nay số hộ nghèo đã giảm xuống còn dưới 37%.

Tập trung đầu tư, hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Nhiệm vụ này được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Ban Chấp hành Tỉnh ủy có riêng một nghị quyết về xóa đói giảm nghèo, điều đó đã thể hiện sự đặc biệt quan tâm của Đảng đến công tác xóa đói giảm nghèo.

Nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 còn rất nặng nề, làm sao để người nghèo thực sự thoát nghèo là bài toán mà các cấp, các ngành đang chung tay tìm lời giải.

Vinh Duy – Phạm Quang

Back To Top