Video

Sức sống làng nghề Na Sang

Thứ Ba, 13/06/2017 08:53 Lượt xem: 13389 In bài viết

ĐBP - Nằm nép mình bên dòng Nậm Núa thơ mộng, bản Na Sang II, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) được biết đến với nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời của dân tộc Lào. Trải qua nhiều thăng trầm do ảnh hưởng của hội nhập và tác động của nền kinh tế thị trường, có những thời điểm tưởng như làng nghề chỉ “sống mòn” rồi dần đi vào quên lãng như bao làng nghề khác. Song, tình yêu, tâm huyết và sự nỗ lực bền bỉ của những người làm nghề đối với giá trị truyền thống của dân tộc đã hun đúc cho thổ cẩm Na Sang một sức sống mãnh liệt. Và hôm nay đang dần khởi sắc với những gam màu tươi mới.

Không biết từ bao giờ, những gia đình người dân tộc Lào đã đến định cư tại bản Na Sang II. Họ mang theo rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó dệt thổ cẩm là niềm tự hào của tất cả phụ nữ Lào ở đây. Cũng được dệt từ những sợi bông, song sự khác biệt lớn nhất ở thổ cẩm Lào, đó là những nét hoa văn đặc trưng hình vạn, hình voi, rắn, chùa tháp… được thiết kế tinh vi, hài hòa sắc màu, khiến bất kỳ ai cũng có thể nhận ra dù mang đi bất cứ đâu.

Như một sự tất yếu, cái đẹp luôn có giá trị riêng của nó. Sau khi có những phân tích, nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng, năm 2004 tổ chức JICA của Nhật Bản đã đầu tư Dự án hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Na Sang II. Làng nghề được JICA hỗ trợ duy trì và phát triển bằng cách tạo ra một nhóm sản xuất, để cố kết những người có nghề, trên cơ sở thành lập HTX. Sau đó tiếp tục hỗ trợ công cụ sản xuất, khung dệt hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và tìm kiếm đơn đặt hàng. Song, bởi tất cả chỉ mang tính thụ động, nên ngay sau khi dự án kết thúc vào năm 2010, làng nghề như mất dần phương hướng và khó khăn ngày một chồng chất. Ngôi nhà làm nghề tập trung trước kia của HTX, sau cũng cho dự án khác mượn lại, máy móc bị bỏ không.

Không còn tập trung, giờ đây những người phụ nữ ở Na Sang như bà Lò Thị Lún vẫn túc tắc dệt thổ cầm ở nhà. Dù đã bước sang tuổi 85 – cái tuổi của thời gian đếm ngược, cả đời chứng kiến bao thăng trầm của làng nghề, từ đôi bàn tay khéo léo của bà hàng trăm sản phẩm có giá trị đã ra đời mà cũng chẳng đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Thế nhưng cho đến giờ bà vẫn làm nghề chỉ để được thỏa niềm đam mê và tiếp nối mạch nguồn dân tộc. Mỗi ngày cần mẫn, mỗi năm cần mẫn, bà cũng chỉ làm ra vài sản phẩm, và dù đó là chiếc khăn, váy hay túi xách... thì bà đều tâm huyết. Với mong muốn giữ lại nghề truyền thống của dân tộc, thời gian gần đây bà dành nhiều thời gian và công sức hơn để truyền dạy cho con cháu trong bản. Ẩn sâu trong đôi mắt đã kém phần tinh anh của bà Lún, vẫn hiện lên những niềm tin nhất định vào thế hệ trẻ mà bà đang nối truyền.

Niềm tin của bà Lún là có cơ sở khi bà không chỉ có một mình. Từ năm 2015 đến nay, đứng trước những thách thức mới HTX vẫn luôn kiên trì động viên, sát cánh cùng các thành viên để gìn giữ nghề; song song với đó là nỗ lực quảng bá, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài việc tạo điều kiện để làng nghề giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm xúc tiến du lịch, chính quyền địa phương cũng đưa ra những chiến lược phát triển du lịch hướng đến và gắn với giới thiệu làng nghề để thông qua đó quảng bá sản phẩm. Những vị khách trong nước, rồi nước ngoài sau khi tới tham quan, trở về với món đồ thổ cẩm trên tay, sau đó đã có hồi âm là những cuộc gọi đặt hàng với số lượng lớn. Năm 2016 có thể xem là dấu mốc quan trọng khi tổng doanh thu HTX đã đạt con số hơn 400 triệu đồng, với gần 400 sản phẩm được bán ra không chỉ ở thị trường trong tỉnh, mà nhiều tỉnh, thành khác, như: Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh... Mặc dù còn hết sức khiêm tốn, song những con số này lớn hơn gấp nhiều lần các năm trước. Và quan trọng hơn, sau 7 năm mất phương hướng, giờ đây làng nghề Na Sang đã có thể tự đứng trên đôi chân của mình.

Rõ ràng, tình yêu và tâm huyết là cái gốc quan trọng nhất để làng nghề Na Sang vẫn “sống” cho đến ngày hôm nay. Song làm sao để những người làm nghề có thể sống được bằng nghề, vừa là để bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa nâng cao thu nhập nông dân nông thôn. Đó không chỉ là mong muốn của người dân, mà đồng thời cũng là hướng đi mà chính quyền địa phương xác định. Nhưng để tất cả những điều đó trở thành hiện thực, thì cần hơn nữa sự “tiếp sức” của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để làng nghề Na Sang không chỉ đứng vững, mà có những bước tiến dài hơn nữa trong công cuộc phát triển.

Hà Linh

Back To Top