Video

Thấp thỏm bên dòng Nậm Mức

Thứ Hai, 28/08/2017 22:00 Lượt xem: 12147 In bài viết

ĐBP - Mùa mưa năm nay, mực nước trên sông Nậm Mức chưa dâng cao nhưng nước sông lúc nào cũng chảy cuồn cuộn, kéo theo đất đá đục ngầu. Đây là dòng sông có cường độ chảy xiết, kết hợp nước mưa từ đầu nguồn đổ về mạnh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Vì lẽ đó, mỗi khi mưa to gió lớn, một số hộ dân trên địa bàn 2 xã: Mường Mươn và Na Sang (huyện Mường Chà) đang sinh sống bên bờ sông lại thấp thỏm, lo lắng, chuẩn bị tinh thần sơ tán tài sản, nhà cửa ra khỏi vùng nguy hiểm.

Chúng tôi có mặt tại bản Mường Mươn 1 (xã Mường Mươn) - nơi có 3 hộ dân sinh sống ven sông Nậm Mức, cần di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn vào mùa mưa. Là 1 trong 3 hộ dân trong vùng nguy hiểm, căn nhà sàn, chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh Tòng Văn Diện, bản Mường Mươn 1 nằm chênh vênh bên sông Nậm Mức. Ngôi nhà đặt trên vị trí cao, địa hình dốc, phía dưới là khoảng đất trống nên gia đình anh Diện luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa lũ về. Anh Diện vẫn còn nhớ như in, mùa mưa bão năm 2004 và 2014, nước sông dâng lên đến gầm sàn, khiến cả bản chìm trong biển nước, cuốn trôi gia súc, gia cầm và nhiều tài sản khác nên anh và gia đình càng thêm lo sợ. Vì vậy, hàng năm, cứ mỗi mùa mưa đến, lo lắng nước lũ dâng cao, gây sạt lở đất và nước tràn vào nhà, gia đình anh Diện không còn cách nào khác là chủ động sơ tán tài sản gửi nhà người thân ở những vị trí cao và an toàn hơn.

Hơn 1 năm trước, gia đình chị Quàng Thị Phòng, bản Mường Mươn 1 cũng cơi nới mặt bằng và dựng nhà sát mép sông Nậm Mức. Đầu tháng 8 vừa qua, những trận mưa to kéo dài đã khiến chân móng ngôi nhà của chị Phòng bị sụt lún. Vết sụt và lượng đất sạt xuống tuy không lớn, song chị Phòng cảm thấy vô cùng lo lắng, vì nếu mưa to, nước sông dâng lên thì đất có thể tiếp tục sạt lở, chẳng mấy mà “nuốt chửng” căn nhà gỗ của chị. Biết rằng dựng nhà ở ven sông, có ta luy dốc đứng, khi mưa xuống nền đất no nước, kết hợp với nước sông dâng cao sẽ xảy ra sạt lở đất rất nguy hiểm; nhưng gia đình chị Phòng và 2 hộ còn lại không còn cách nào khác để chuyển đến nơi ở mới, an toàn hơn vì không có mặt bằng để dựng nhà và điều kiện kinh tế lại khó khăn.

Ngoài các bản trên địa bàn xã Mường Mươn, sông Nậm Mức còn chảy qua các bản: Co Đứa, Hin 1, 2 (xã Na Sang). Vào mùa lũ, một số hộ sinh sống ven sông  lại “mất ăn, mất ngủ” lo sợ nước lũ lên cao, tạo thành lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Để không còn thấp thỏm lo âu mỗi khi mưa bão thì người dân phải có mặt bằng để tái định cư ở nơi an toàn hơn, nhưng đó là điều rất khó thực hiện, vì quỹ đất trên địa bàn không có để bố trí tái định cư. Bởi vậy, những hộ sinh sống ven sông chỉ còn cách là chủ động sơ tán, di dời tạm thời đến ở nhờ nhà anh em, họ hàng để bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản; giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Theo ông Lường Văn Kiêm, Bí thư Đảng ủy xã Na Sang, giải pháp trước mắt để đảm bảo an toàn cho người dân sống ven sông Nậm Mức hiện nay vẫn là tuyền truyền, cảnh báo, vận động người dân chủ động sơ tán, phòng tránh. Hiện nay, trên địa bàn xã Na Sang còn 1 hộ dân bản Co Đứa dựng nhà lấn ra lòng sông Nậm Mức, rất nguy hiểm; chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động gia đình ký cam kết tự di chuyển đến nơi an toàn khi mùa mưa bão đến. Còn đối với một số gia đình ở bản Hin 1, 2, sinh sống ven sông, địa phương đã cảnh báo cho bà con chủ động phương án phòng tránh. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời; về lâu dài, việc bố trí đất tái định cư cho bà con còn rất khó khăn, vì không có quỹ đất.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi khi mùa mưa đến, mực nước trên các sông, suối như sông Nậm Mức thường dâng lên rất nhanh mà không thể dự báo trước; có thể gây thiệt hại về tài sản và nguy hiểm đến tính mạng, khiến người dân vô cùng lo lắng. Vì vậy, bên cạnh giải pháp trước mắt là tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng tránh; thì chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, tính đến giải pháp lâu dài, để người dân không còn phải thấp thỏm, lo âu mỗi khi mùa mưa đến.

Phạm Quang

Back To Top