Video

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu chè sạch

Thứ Tư, 13/09/2017 14:40 Lượt xem: 10431 In bài viết

ĐBP - Nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, Tủa Chùa là huyện duy nhất của Điện Biên có địa hình chủ yếu là núi đá, mây mù bao phủ, khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Đây chính là những điều kiện hết sức thuận lợi để vùng đất này phát triển một loài cây trở thành đặc sản của tỉnh, đó là chè Tuyết Shan. Chè ở đây được trồng hữu cơ sạch 100%, phát triển tự nhiên, bà con người Mông không dùng bất cứ loại hóa chất nào trong cả quá trình trồng và chế biến sản phẩm. Xác định được thế mạnh này, chính quyền và người dân địa phương đã tập trung phát huy để xây dựng và bảo vệ thương hiệu chè sạch.

Xã Sín Chải là địa phương tập trung nhiều chè cổ thụ nhất của huyện Tủa Chùa với khoảng 4.000 cây. Những cây chè cổ thụ đã gắn bó với bà con nơi đây qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn không ngừng cho những búp chè tươi xanh, giúp bà con kiếm thêm thu nhập.

Ông Hạng A Chư, bản Hấu Chua, xã Sín Chải là gia đình có nhiều cây chè cổ thụ nhất với hơn 400 cây. Do địa bàn núi cao, quanh năm sương mù bao phủ, khí hậu trong lành nên những cây chè cứ thế phát triển, đâm chồi mà chưa bao giờ phải phun bất cứ loại hóa chất nào. Mỗi năm gia đình ông Chư thu hoạch 3 vụ chè với sản lượng mỗi vụ được khoảng 3,5 tạ chè búp khô. Thu nhập từ việc bán chè cũng giúp ông có điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống lò sao sấy chè khô để tự chế biến ra sản phẩm sạch theo nhu cầu.

Gia đình ông Chư là một trong nhiều hộ có nguồn thu ổn định từ chè. Hiện nay, toàn huyện Tủa Chùa có 577ha chè, trong đó có 30ha chè cổ thụ với khoảng 8.000 cây chè hàng trăm năm tuổi. Cây chè được quy hoạch trồng tập trung ở 4 xã phía Bắc của huyện Tủa Chùa, bao gồm: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Sín Chải. Đây đều là những địa bàn nằm ở vị trí cao, khí hậu trong lành, rất thuận lợi cho trồng và phát triển chè sạch. Những năm qua, Trại giống nông nghiệp huyện Tủa Chùa là đơn vị thu mua, chế biến, tiêu thụ hầu hết lượng chè của bà con ở Tủa Chùa. Xác định thế mạnh về truyền thống chè sạch ở địa phương, đơn vị đã tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ bà con đầu tư trồng và chăm sóc chè theo hướng an toàn sạch. Ngoài việc đầu tư hệ thống công nghệ máy móc sản xuất chè theo dây chuyền hiện đại, khép kín đảm bảo; đơn vị cũng đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con trong việc trồng và thu hái, để đảm bảo mỗi búp chè sau khi thành phẩm không chỉ ngon mà phải đáp ứng tiêu chí sạch.

Hiện nay, chè búp tươi được các đơn vị thu mua với giá 12.000 đồng/kg, huyện Tủa Chùa hỗ trợ thêm cho bà con 3.000 đồng/kg. Nhờ vậy, thu nhập từ việc bán chè cũng giúp nhiều gia đình cải thiện đời sống. Với nguồn lợi kinh tế mang lại, cộng thêm sự quan tâm trong cả công tác tuyên truyền và hỗ trợ của chính quyền địa phương và đơn vị chủ quản, giờ đây bà con các vùng chè ở Tủa Chùa đã nhận thức và có ý thức hơn đối với cây chè.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất mà chè Tủa Chùa lâu nay vẫn gặp phải là việc quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Về phía chính quyền địa phương, thời gian qua cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm ra những giải pháp tối ưu nhất để đưa sản phẩm chè đến gần gũi hơn với đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là khẳng định chỗ đứng trong lòng những người yêu chè cả nước.

Trong khi sản xuất sạch và an toàn đang là vấn đề dư luận cả nước quan tâm và được đặt lên hàng đầu đối với các đơn vị sản xuất nông sản, thực phẩm, thì việc Tủa Chùa nỗ lực xây dựng và bảo vệ thương hiệu chè sạch có thể nói là hướng đi rõ ràng và đúng đắn. Nhưng để sản phẩm sạch ấy đến được với đông đảo người tiêu dùng, thì việc quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm là vấn đề càng cần hơn nữa sự quan tâm, nhất là của tỉnh trong việc đầu tư cho sản xuất, chế biến; tạo cơ hội cho địa phương, cũng như cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp mở rộng quảng bá sản phẩm ở các thị trường trong nước, để chè Tủa Chùa thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Hà Linh

Back To Top