Video

“Tấm lá chắn” cho rừng Mường Nhé

Thứ Ba, 28/11/2017 16:11 Lượt xem: 8593 In bài viết

ĐBP - Nắm giữ hơn 71.000ha rừng trên tổng diện tích tự nhiên 250.790ha, Mường Nhé là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất toàn tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, câu chuyện giữ rừng ở đây trở nên “nóng” hơn bao giờ hết trong một vài năm gần đây, do nạn di dịch cư tự do vào địa bàn. Kế hoạch 420/KH-UBND của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư ngoài kế hoạch trên địa bàn huyện Mường Nhé, ban hành ngày 22/2/2017 được xem như “tấm lá chắn” hữu hiệu và kịp thời lấy lại sự bình yên cho những cánh rừng nơi đây.

Ngày 1/3/2017, ngay khi kế hoạch 420 của UBND tỉnh được triển khai, gần 500 cán bộ, chiến sỹ các lực lượng, trong đó nòng cốt là Công an tỉnh, đã được tăng cường vào huyện Mường Nhé. 7 tổ công tác nhanh chóng được thành lập, trong đó 6 tổ trực tiếp xuống cơ sở phụ trách địa bàn 11 xã và 1 tổ thường trực tại trung tâm huyện. Trọng tâm được xác định là các địa bàn trọng điểm, như: Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé… Công việc quan trọng đầu tiên là xác định số dân di cư mới vào huyện và tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, trở ngại đầu tiên các tổ công tác gặp phải là sự bất hợp tác của một bộ phận người dân. “Cuộc chiến” giữ rừng thực sự căng thẳng khi một số phần tử xấu kích động dân chống đối lại kế hoạch 420. Chúng vận động tín đồ trong bản gọi con em đang học tại các trường bỏ học về nhà, gây áp lực với chính quyền; yêu sách đòi được làm nương tại những diện tích đất rừng mới bị phá.

Với sự quyết tâm cao, lực lượng chức năng đã kiên quyết mạnh tay khi áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc, kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Trước sự cương quyết và cứng rắn, các đối tượng chống đối phải khuất phục. Cũng qua đó, người dân các địa bàn dần hiểu, đồng tình và tự nguyện ký cam kết không bao che, không bán, chuyển nhượng đất trái pháp luật cho người dân di cư và đặc biệt là không phá rừng.

Vượt qua các điều kiện kham khổ trong sinh hoạt và làm việc, đã có thời điểm, cán bộ, chiến sĩ các tổ công tác gần như không có thời gian nghỉ ngơi; băng suối, leo núi để đến điểm khai thác rừng trái phép và các điểm bản tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Hơn 200 ngày “nằm gai nếm mật”, ráo riết vào cuộc, có hàng trăm cuộc họp dân, hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền đã đến tận tay từng hộ dân. Sự kiên trì, nỗ lực, những giọt mồ hôi, công sức của họ đã được trả công bằng sự ổn định về an ninh trật tự; tình trạng di cư vào địa bàn được ngăn chặn, và đặc biệt không phát hiện thêm vụ phá rừng mới nào; người dân các địa bàn ký cam kết không di cư tự do, không phá rừng trái phép.

Để giúp nhân dân ổn định cuộc sống, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, một trong những nhiệm vụ song song của kế hoạch được triển khai thực hiện hiệu quả, đó là cấp hộ khẩu, chứng minh thư và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đủ điều kiện; phát hiện, vận động và kiên quyết đưa về nơi ở cũ đối với số dân di cư ngoài kế hoạch mới vào địa bàn; đồng thời lên phương án bố trí đất sản xuất cho người dân ổn định cuộc sống. Tính đến hết tháng 9, cơ quan công an đã cấp trên 500 sổ hộ khẩu cho các hộ đủ điều kiện, đồng thời vận động, bố trí phương tiện cho gần 200 người về nơi ở cũ. 

Hiện nay các lực lượng chức năng huyện Mường Nhé đang tiếp tục đẩy mạnh rà soát và kiểm đếm rừng, phân loại rừng trên địa bàn huyện, bổ sung những khu rừng không nằm trong 3 loại rừng này vào danh sách để tiếp tục khoanh nuôi, bảo vệ, giao cho người dân quản lý. Lên kế hoạch trồng và có chính sách cho người dân đối với những khu rừng mà đã phá, để người dân yên tâm ổn định cuộc sống.

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, kế hoạch 420 đã thực sự mang lại hiệu quả khi tạo dựng nên “tấm lá chắn” hữu hiệu ngăn chặn rừng chảy máu. Tuy nhiên, để trả lại màu xanh cho những cánh rừng đã mất thì lại là “bài toán” lâu dài. Đó không đơn giản là nhiệm vụ, mà là thách thức rất lớn đối với Mường Nhé. Mà trước mắt là mùa cao điểm phá rừng làm nương đang tới gần, lại cũng chính là thời điểm kế hoạch 420 kết thúc, các lực lượng chức năng rút quân khỏi địa bàn. Để thực sự tạo dựng được “tấm lá chắn” bền vững hơn bảo vệ những cánh rừng, thì lúc này sự chủ động và quyết liệt từ phía chính quyền địa phương là hết sức cần thiết.

Về lâu dài, một nguyên nhân sâu xa khiến những cánh rừng ở Mường Nhé “chảy máu” mà ai cũng dễ dàng nhận thấy đó chính là nạn di dịch cư tự do và thiếu đất sản xuất. Những kết quả kế thừa từ kế hoạch 420 đã minh chứng, chỉ khi tình trạng di cư tự do được ngăn chặn, quản lý chặt chẽ; người dân được bố trí đủ đất sản xuất, thì họ mới yên tâm ổn định cuộc sống. Và đó chính là “tấm lá chắn” bền vững nhất để bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng Mường Nhé!

Hà Linh

Back To Top