Video

Rừng Mường Nhé đang xanh trở lại

Thứ Ba, 29/05/2018 08:59 Lượt xem: 7632 In bài viết

ĐBP - Huyện Mường Nhé có diện tích rừng lớn nhất so với các huyện, thị trong tỉnh, với trên 72.000ha; trong đó trên 41.000ha do Hạt Kiểm lâm huyện quản lý. Cách đây 3 năm, nhiều cánh rừng phòng hộ và rừng sản xuất tại huyện Mường Nhé đã bị tàn phá nặng nề. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện, năm 2015 có tới 474ha rừng sản xuất và phòng hộ bị người dân di cư tự do phá hoại, chủ yếu ở các xã: Chung Chải, Leng Su Sìn và Mường Nhé. Rừng bị phá thành những nương trọc trơ trọi, còn người dân di cư thì cứ ồ ạt vào địa bàn, khiến công tác quản lý bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn.

Bằng sự phối hợp vào cuộc của chính quyền huyện Mường Nhé và sự nỗ lực của Hạt Kiểm lâm huyện trong việc tuyên truyền cho người dân về trồng rừng, bảo vệ rừng theo Dự án Bảo vệ và phát triển rừng huyện Mường Nhé, tầm nhìn tới năm 2020. Chỉ sau hơn 2 năm được trồng lại, 2/3 trong số diện tích những cánh rừng bị tàn phá đã được phủ xanh trở lại, bởi những cây thông, cây keo tai tượng cao chừng 3 – 5 mét. Tính đến nay, toàn huyện Mường Nhé có 283,34ha rừng sản xuất được trồng mới, đang phát triển rất tốt. Số rừng này do 315 hộ dân tại các xã: Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong, Nậm Kè, Quảng Lâm và Huổi Lếch tự nguyện trồng và chăm sóc.

Đây là cánh rừng keo tai tượng được người dân ở bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé trồng từ đầu năm 2016. Do được người dân chăm sóc tốt, đến nay cây nào cũng phát triển, cho cành lá sum suê, tán xòe rộng. Gia đình bà Lò Thị Phung là một trong những hộ đi đầu trong việc trồng rừng của bản Phiêng Kham. Trước đây, gần 1ha đất rừng của gia đình bà Phung đã bị những người dân di cư tự ý vào khai thác gỗ, đốt rừng làm nương. Rừng bị phá hoại, gia đình bà Phung cũng chán nản, bỏ bê không muốn cải tạo lại. Song được sự động viên, hỗ trợ từ phía chính quyền bản, xã, Phòng Nông nghiệp và Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, năm 2016 gia đình bà Phung đã cải tạo lại những diện tích đất rừng để gieo hạt keo tai tượng.

Cùng với việc hỗ trợ hạt giống, gia đình bà Phung còn được chính quyền huyện Mường Nhé hỗ trợ 15 triệu đồng để chăm sóc và mua phân bón cho cây; đồng thời được cán bộ của Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện tới tận nơi hướng dẫn việc chăm sóc cây, như: Phát cỏ, tỉa cành, bón phân lót cho đúng cách...

Cũng như gia đình bà Phung, nhiều hộ dân trong bản Phiêng Kham đã bảo nhau cải tạo lại những diện tích rừng bị phá hoặc bỏ hoang trước đây và tự nguyện trồng rừng theo chủ trương của huyện Mường Nhé. Hai năm trở lại đây, bản Phiêng Kham có thêm 10/34 hộ trồng rừng sản xuất mới, với diện tích hơn 10ha. Từ ngày trồng và chăm sóc những cánh rừng sản xuất, bà con trong bản cũng tăng cường việc trông coi, bảo vệ rừng như bảo vệ chính cuộc sống của gia đình mình. Đồng thời, bà con cũng yên tâm lao động sản xuất và tin tưởng vào việc trồng rừng để được hưởng những lợi ích từ rừng.

Những cây keo tai tượng hơn 1 năm tuổi này thuộc 4,5ha rừng sản xuất của gia đình anh Đào Hồng Ngọc, bản Nà Pán, xã Mường Nhé. Chỉ mới 2 năm trước đây, diện tích rừng keo tai tượng này còn là những nương trọc trơ trọi, toàn gốc cây. Vậy mà chỉ sau một thời gian được trồng lại, giờ đây màu xanh của những cây keo đã phủ kín đồi trọc, khiến môi trường sống nơi này cũng trở nên trong lành hơn.

Bên cạnh việc trồng đúng kỹ thuật như cán bộ Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện Mường Nhé hướng dẫn, anh Ngọc còn bỏ nhiều công sức chăm sóc và bảo vệ để những cây keo được phát triển tốt như hiện nay. Rừng keo tai tượng của gia đình anh Ngọc hiện cũng là mô hình thí điểm của xã Mường Nhé trong Dự án Bảo vệ và phát triển rừng huyện Mường Nhé, tầm nhìn tới năm 2020.

Được biết, ngoài việc vận động người dân trồng rừng, những năm qua Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé còn phối hợp với Công an huyện và chính quyền các xã tổ chức trông coi, bảo vệ để tránh rừng mới trồng bị phá hoại. Làm sao để cây rừng phát triển tốt hơn, không chỉ phủ xanh đất trống, đồi trọc, mà còn nhân rộng mô hình cho bà con các xã cùng trồng để được hưởng lợi ích từ rừng.

Giờ đây, trên những con đường vào các xã trong huyện Mường Nhé, màu xanh của những cánh rừng bạt ngàn đã dần phủ kín những khoảng đất trống, đồi núi trọc ngày nào. Cùng với đó, là niềm vui hiện rõ trong ánh mắt, nụ cười và trong công việc lao động của những người dân nơi đây. Đối với họ, trồng rừng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào, sự tin tưởng vào tương lai với những lợi ích đem lại từ rừng.

Phương Liên

Back To Top