Video

Tình trạng ô nhiễm môi trường từ cơ sở chăn nuôi lợn, xã Thanh An, huyện Điện Biên

Chính quyền địa phương cần vào cuộc xử lý dứt điểm

Thứ Ba, 06/11/2018 14:37 Lượt xem: 9732 In bài viết

ĐBP - Vừa qua, Báo Điện Biên Phủ nhận được phản ánh của người dân ở 5 thôn Đông Biên (Đông Biên 1, 2, 3, 4, 5), xã Thanh An, huyện Điện Biên về tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước do nước thải từ một cơ sở chăn nuôi lợn nằm giữa các thôn Đông Biên. Tình trạng này đã kéo dài gần 3 năm, gây ảnh hưởng nhiều tới đời sống, sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân trong khu vực. Bà con đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết, khắc phục.

Được biết, cơ sở chăn nuôi lợn nằm giữa các thôn Đông Biên là của gia đình ông Đào Xuân Huyên và bà Trương Thị Huyền, với diện tích khoảng 4.000m2, bắt đầu hoạt động từ năm 2016, với quy mô 400 - 600 con lợn lái sinh sản, lợn lấy thịt... và một số gia cầm khác. Điều đáng nói là một cơ sở với quy mô khá lớn, nhưng lại nằm ngay giữa khu dân cư đông đúc và đầu nguồn nước của người dân 5 thôn Đông Biên.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tiếp cận vị trí đường ống dẫn nước thải phía sau cơ sở nuôi lợn. Trước đây đường ống này thải trực tiếp xuống hồ nuôi cá bên cạnh, khiến nước hồ chuyển màu đen kịt, bốc mùi; cá và thủy sinh cũng chết dần. Sau khi người dân ý kiến nhiều lần, năm 2017, chủ cơ sở đã làm hệ thống đường ống dẫn nước thải dài gần 200m, chảy từ cơ sở xuống rãnh nước sát nhà các hộ dân thôn Đông Biên 2, 3, 4. Nhưng dù chảy ra hồ hay ra rãnh nước, thì mùi hôi, thối và tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở đây cũng không biến chuyển chút nào.   

Thời điểm phóng viên có mặt, nước thải từ đường ống của cơ sở đang chảy vào rãnh và có mùi hôi khá nồng nặc. Chỉ đứng vài phút tại đây, chúng tôi cũng không thể chịu đựng được mùi hôi thối bốc ra. Thế nhưng, đã 3 năm nay, những người dân ở các thôn Đông Biên vẫn hằng ngày, hằng giờ phải chịu đựng mùi hôi thối này trong từng bữa ăn, giấc ngủ của họ.

Gia đình ông Trần Văn Đức, ở thôn Đông Biên 4 là hộ dân sinh sống cạnh cơ sở chăn nuôi lợn. Hàng ngày mùi hôi, tanh bốc lên từ nước thải của cơ sở chăn nuôi khiến gia đình ông Đức ăn không ngon, ngủ không yên. Bản thân ông Đức cũng thấy sức khỏe giảm sút đi nhiều, đặc biệt là thường xuyên viêm mũi dị ứng và viêm đường hô hấp. Ông Đức đã nhiều lần ý kiến với chủ cơ sở, nhưng tình trạng mùi hôi, thối vẫn chưa được cải thiện.

Đi dọc các thôn Đông Biên 2, 3, 4, chúng tôi thống kê được hàng chục ao cá lớn, nhỏ và giếng nước sinh hoạt của các hộ dân đang không sử dụng được, do nghi ngờ ngấm nước thải ô nhiễm từ cơ sở chăn nuôi lợn. Như giếng nước này, trước đây gia đình ông Phạm Văn Tuyến vẫn sử dụng trong mọi sinh hoạt, nhưng 2 năm trở lại đây, nước bắt đầu chuyển màu vàng, đen và có mùi hôi, tanh nên không dám dùng nữa. Để có nước ăn, hằng ngày những người trong gia đình ông Tuyến phải đi xách từng xô nước ở giếng khoan, cách nhà hơn 100m.

Những ao tù này trước đây là ao nuôi cá kinh doanh và cải thiện đời sống cho các hộ dân thôn Đông Biên 2. Nhưng 2 năm trở lại đây, nước ao chuyển dần sang màu xanh, đen và các loại cá đều không sinh sống được khiến cho người nuôi cá bị thất thu, ảnh hưởng tới kinh tế gia đình. Nguyên nhân của tình trạng này được bà con cho rằng, ao cá của họ đã bị ô nhiễm từ nước thải của cơ sở chăn nuôi lợn đang thải ra hàng ngày.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường trông thấy ở các thôn Đông Biên, ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cũng thừa nhận, việc này đã tồn tại khá lâu, gây bức xúc trong nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết xong. Đại diện UBND huyện đã nhiều lần xuống nhắc nhở chủ cơ sở chăn nuôi lợn có biện pháp khắc phục tình trạng này; chủ cơ sở cũng đã cho lắp đặt hệ thống túi biogas, xử lý bã thải và nước thải trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, tình trạng vẫn chưa thuyên giảm.

Mới đây, đoàn kiểm tra của UBND huyện Điện Biên và Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã đi kiểm tra cơ sở chăn nuôi lợn và lấy mẫu nước thải tại đường ống của cơ sở này để phân tích theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải chăn nuôi. Qua kết quả phân tích cho thấy các chỉ tiêu về: Chất rắn lơ lửng TSS, nhu cầu ôxi hóa COD, nhu cầu ôxi sinh hóa BOD (khi tổng lưu lượng nước thải của cơ sở lớn hơn hoặc bằng 5m3/ngày) đều vượt giới hạn cho phép. Như vậy, căn cứ theo Giấy xác nhận số 2028/GXN-UBND ngày 27/9/2016 đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường do UBND huyện Điện Biên cấp cho chủ cơ sở chăn nuôi lợn, thì cơ sở này đã vi phạm cam kết về bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014).

Nếu như trước đây, người dân các thôn Đông Biên không có căn cứ để khẳng định nước thải tại cơ sở nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường; thì nay qua những thực tế rõ ràng mà họ đang phải chịu đựng và qua kết quả phân tích mẫu nước thải của cơ quan chức năng, người dân các thôn Đông Biên có quyền yêu cầu và mong chờ một biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm từ chính quyền sở tại, để trả lại bầu không khí, nguồn nước và môi trường trong sạch cho đời sống của bà con nơi đây. 

Phạm Quang – Phương Liên

Back To Top