Video

Nhảy lửa – Nét văn hóa tâm linh độc đáo của người Dao đỏ Điện Biên

Thứ Sáu, 23/11/2018 09:56 Lượt xem: 11956 In bài viết

ĐBP - Theo số liệu điều tra, tính đến năm 2018 thì dân tộc Dao tỉnh Điện Biên có hơn 6.000 người, sinh sống ở các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa…, với các ngành: Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao khâu. Mặc dù chỉ sống rải rác thành từng nhóm dân cư nhỏ, song cộng đồng dân tộc Dao hiện nay vẫn còn gìn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống hết sức độc đáo, đặc biệt trong đó là Lễ Nhảy lửa của ngành Dao đỏ. Cộng đồng Dao đỏ bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ năm nay đã chọn ngày 21/11 dương lịch (tức ngày 15/10 âm lịch) để tổ chức Lễ Nhảy lửa.

Ngay từ sáng sớm, khi con gà rừng cất tiếng gáy đầu tiên, cũng là lúc các ngôi nhà trong bản sáng đèn. Phụ nữ tất bật giúp nhau diện trang phục truyền thống; còn đàn ông trong nhà có nhiệm vụ chuẩn bị đồ cúng mang đến lễ. Trước kia, Lễ Nhảy lửa mang tính chất trong dòng họ nên chỉ diễn ra tại nhà trưởng họ. Song ngày nay đã được mở rộng, mang tính cố kết cộng đồng hơn nên bà con thường lựa chọn địa điểm tổ chức tại nhà thầy cúng (nếu đủ rộng) hoặc một nơi trung tâm của bản để mọi người cùng chung vui.

Trong Lễ Nhảy lửa thường có một thầy cúng chính và một thầy cúng phụ. Khi lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ, dưới sự chủ trì của thầy cúng chính, người phụ việc sẽ bày một mâm lễ trên bàn thờ tổ tiên. Mâm lễ phải có: Một cái đầu lợn (hoặc lợn con); bát hương; nước trắng; rượu và năm cái chén; giấy dó tượng trưng vàng bạc âm phủ; quẻ âm dương (bằng một đoạn tre bổ đôi); 2 hào bạc; gạo đã được gói trong túm vải.

Sau khi đồ lễ được bày xong, giờ tốt đến, trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc, thầy cúng thắp hương và thực hiện các nghi thức cúng lễ trước bàn thờ tổ tiên và mâm lễ. Trong suốt quá trình này, trống, chiêng là nhạc cụ quan trọng không thể thiếu, tiếng nhạc được xem như cầu nối, giúp các vị thần linh tìm về chung vui với dân bản. Nghi lễ cúng rất quan trọng, vì thế sẽ được thực hiện nhiều lần, với nhiều nghi thức.

Trước khi buổi lễ bắt đầu, một đống củi lớn đã được đốt lên ở khoảng sân rộng; cho đến khi nghi lễ cầu may, cầu phúc của thầy cúng xong, cũng là lúc củi cháy thành đống than hồng rực đỏ. Những người muốn được nhảy lửa ngồi hầu lễ phía sau thầy cúng, sau khi thầy cúng xin quẻ âm dương được thần lửa đồng ý, các chàng trai người Dao như được phù phép, trong phút thăng hoa xuất thần họ nhảy bật lên bằng cả hai chân và lao vào nhảy giữa đống than hồng rừng rực. Trong suốt quá trình này, người phụ nữ chỉ được đứng xung quanh đống lửa, tay cầm chổi liên tục quét gọn các tàn than bị tung ra. Điều đặc biệt ở đây là không phải ai cũng được tham gia nhảy lửa, chỉ có đàn ông có sức khỏe, đảm bảo đầy đủ các điều kiện đặt ra trước đó mới được “thần gọi” nhảy. Họ nhảy bằng chân trần trên than hồng nhưng không bị ảnh hưởng gì đến thân thể, và họ coi đó là cánh cửa chạm đến thần linh.

Cứ như vậy, người nọ nối tiếp người kia cho đến khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than để lại. Sau nghi thức nhảy lửa này, đội nhảy lửa và thầy cúng sẽ tiếp tục thực hiện các nghi thức múa hát, đây có thể được xem là phần hội của Lễ Nhảy lửa, với khởi đầu là điệu múa “Tam nguyên an ham” (hay còn gọi là múa “Ra binh vào tướng”). Bằng những động tác nhảy, quay, bật tung người, để thể hiện sự khỏe mạnh, biểu dương tinh thần thượng võ. Sau đó là các điệu múa, tái hiện lại đời sống sinh hoạt, lao động thường ngày của người dân, như: Nhìang Chầm đao, múa phát nương, bắt ba ba, múa gà.

Buổi lễ kết thúc khi những tia sáng đầu tiên của mặt trời bắt đầu lấp ló sau đỉnh núi phía xa; thầy cúng làm nghi lễ cuối cùng là đốt tiền âm phủ biếu vàng mã để các cụ, ông bà, tổ tiên, các vị thần thánh trở về cõi tiên và cầu khấn để phù hộ cho gia đình, dòng họ, dân bản mọi sự tốt lành, bảo vệ cuộc sống được thanh bình, yên vui.

Lễ Nhảy lửa thường được tổ chức vào cuối năm hoặc đầu xuân năm mới, khi mùa màng đã thu hoạch xong, thóc lúa đầy nhà. Và đó là cách họ mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc. Dù còn mang màu sắc tâm linh huyền bí, nhưng Lễ Nhảy lửa là minh chứng cho sức mạnh trong quá trình lao động để chế ngự thiên nhiên của đồng bào nơi đây. Đồng thời vừa có ý nghĩa giáo dục lòng can đảm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách của con người, vừa chứa đựng niềm tin, hướng cộng đồng tới cái thiện và những việc làm tốt thể hiện qua sự đoàn kết, đùm bọc, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Đây cũng được coi như lễ hội cầu may, bày tỏ lòng thành kính với đất trời. Người Dao quan niệm xung quanh họ có các vị thần che chở, giúp họ vượt qua nguy hiểm và mưu sinh, trong đó có vị thần tối cao là thần lửa, ngọn lửa tượng trưng cho sự ấm áp, mang lại cho họ ấm no, may mắn và xua đi những điều xấu, tà ma, bệnh tật, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, no ấm, đủ đầy hơn.

Hà Linh

Back To Top