Video

Người Mông giữ "hồn" giấy dó

Thứ Ba, 25/12/2018 17:52 Lượt xem: 6476 In bài viết

ĐBP - Trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào Mông, giấy dó có rất nhiều công dụng và không thể thiếu trong các dịp lễ tết, ma chay… Nó được xem như cầu nối giữa đời sống thực tại với thế giới tâm linh. Điều đặc biệt hơn, với đồng bào Mông, họ chỉ sử dụng giấy dó do dân tộc mình làm ra. Vì thế, mặc dù cuộc sống hiện nay đã phát triển, các sản phẩm tương tự từ giấy cũng ngày một đa dạng hơn, song nghề làm giấy dó vẫn giữ vị trí quan trọng và được các thế hệ gìn giữ, lưu truyền.

Bà Giàng Thị Dung, thôn Là Xa, xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) năm nay đã bước sang tuổi 80, song công việc làm giấy dó vẫn là niềm vui mỗi ngày. Cái nghề gắn bó với cuộc đời bà như một điều tất yếu của cuộc sống. Mỗi nếp nhăn trên gương mặt người đàn bà này, tương ứng với từng đó kinh nghiệm, tình yêu bà dành cho nghề. Giờ đây, đôi mắt đã không còn sự tinh tường, bà Dung bắt đầu nghĩ đến việc truyền nghề. Vì thế, mỗi lần làm giấy, bà luôn để bọn trẻ theo và quan sát trong mọi công đoạn.

Giấy dó thường được làm vào thời gian nông nhàn, đặc biệt là dịp giáp tết để sử dụng trong các tục cúng chào đón năm mới. Công việc này chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, không yêu cầu kỹ thuật cao lắm nhưng đòi hỏi phải kiên trì và khéo léo. Đối với mỗi cộng đồng ngành Mông khác nhau, quy trình làm giấy dó cũng có sự khác nhau nhất định. Chất liệu làm giấy dó cũng phụ thuộc vào đặc thù mỗi vùng miền, thường là sử dụng cây dướng, giang, tre non, rơm rạ… Nguyên liệu sau khi lấy về sẽ trải qua rất nhiều công đoạn, như: tước vỏ, nấu nhừ cùng tro bếp, giã nhuyễn, hòa nước, “đổ giấy”, phơi… và thường là mất 3 – 4 ngày mới tạo ra giấy thành phẩm. Với kinh nghiệm hơn nửa thập kỷ gắn với giấy dó nên theo bà Dung chia sẻ thì cần sự tinh tế của người làm. Tro bếp ở đây có vai trò như chất tẩy, tạo độ trắng, mịn cho giấy thành phẩm. Đặc biệt, trong quá trình “đổ giấy”, cần chủ động tập trung cao, tỉ mỉ để đảm bảo giấy có độ mỏng, mịn, đều nhất định... Giấy sau khi qua 1 – 2 nắng là đến độ khô, được gấp cất đi, dùng dần. Hiện nay, ở nhiều địa bàn dân cư nơi người Mông sinh sống, nghề làm giấy dó vẫn được duy trì nhưng chủ yếu do người già thực hiện.

Khác với các nghề truyền thống khác, làm giấy dó không mang lại nguồn nhu nhập lớn, cũng không phát triển được kinh tế gia đình mà chủ yếu làm để phục vụ nhu cầu. Điều dễ nhận thấy nhất là khi vào nhà người Mông, hình ảnh giấy dó xuất hiện ngay trên bàn thờ, ô cửa, hay rất nhiều vật dụng khác…, với nhiều mục đích, ý nghĩa tâm linh khác nhau.

Có lẽ vì gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh lâu đời nên trước những tác động của cuộc sống, giấy dó vẫn có sức sống mãnh liệt, tồn tại qua nhiều giai đoạn thời gian, không gian khác nhau. Ngày nay, mặc dù những gia đình người Mông còn làm giấy dó không nhiều; song vẫn được họ gìn giữ qua các thế hệ và giấy dó được xem như sợi dây gắn kết đời sống thực với thế giới tâm linh, ông bà, tổ tiên, nhắc nhở con cháu luôn nhớ về nguồn cội.

Hà Linh

Back To Top