Video

Vùng cao Điện Biên Đông

Lá ngón – “Bản án tử” vẫn treo lơ lửng

Thứ Tư, 04/09/2019 09:58 Lượt xem: 7711 In bài viết

ĐBP - Lá ngón – một loại cây rừng phổ biến khắp các bản làng vùng cao Điện Biên Đông và cũng là loại thuốc độc dẫn đến nhiều cái chết thương tâm ở đây. Mặc dù những năm qua chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân, song nạn tự tử bằng lá ngón vẫn có chiều hướng gia tăng.

Là một trong những nhân viên y tế thôn, bản được đánh giá có năng lực, và rất nhiệt tình trong tuyên truyền phòng chống nạn tự tử bằng lá ngón ở huyện Điện Biên Đông, song anh Ly A Mua lại bất lực trước chính con gái của mình. Mới vừa qua, vì bị mẹ mắng, Ly Thị Phương – con gái anh Mua đã tìm đến lá ngón để tự tử.

Theo thống kê từ Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2019, toàn huyện đã có 89 trường hợp tự tử bằng lá ngón, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018. Phần lớn trường hợp tự tử là nữ, tập trung ở các xã: Phình Giàng, Pú Hồng, Phì Nhừ, Keo Lôm… Đáng lo ngại hơn khi theo nhận định của chính quyền một số địa phương thì trước kia nạn tự tử bằng lá ngón chỉ xuất hiện ở đồng bào Mông, nay lại có xu hướng gia tăng ở cộng đồng các dân tộc khác.

Để giải quyết “bài toán nan giải” tự tử bằng lá ngón, các cấp chính quyền, ngành y tế và tổ chức đoàn thể huyện Điện Biên Đông đã dành nhiều tâm huyết, công sức đấu tranh, phòng chống, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hại của lá ngón. Một kế hoạch chuyên đề riêng để đấu tranh với nạn tự tử bằng lá ngón cũng được xây dựng và tích cực triển khai; song vẫn chưa ghi nhận nhiều chuyển biến. Cứ vài ngày trôi qua, đâu đó trên địa bàn, bà con lại xôn xao về một vụ tự tử bằng lá ngón.

Lá ngón, thứ cây chết người, nhưng trớ trêu thay lại dễ dàng tìm thấy ở khắp mọi nơi. Đã có thời điểm chính quyền huyện Điện Biên Đông phát động chiến dịch phá nhổ cây lá ngón, song vì là cây rừng, nên cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Mặc dù trong những con số thống kê đã nhìn thấy tín hiệu vui, đó là số người chết vì lá ngón đang có chiều hướng thuyên giảm, nhờ việc chuyển hướng sang đẩy mạnh công tác phát hiện và cấp cứu kịp thời. Trên 80% ca tự tử bằng lá ngón năm 2019 đã được phát hiện và cứu sống. Song, cho đến khi nào chưa thực sự thay đổi được nhận thức, mỗi người dân còn chưa biết quý trọng mạng sống của chính mình, thì lá ngón vẫn được xem là “bản án tử” treo lơ lửng ở khắp các bản làng vùng cao Điện Biên Đông.

Hà Linh

Back To Top