Video

Khơi nguồn nét chữ Thái cổ

Thứ Sáu, 11/10/2019 08:11 Lượt xem: 8385 In bài viết

ĐBP -  Điện Biên – một trong những nơi được coi là “cái nôi” của văn hóa Thái vùng Tây Bắc. Những năm qua, cùng với guồng quay của sự phát triển thì nhiều giá trị truyền thống, trong đó có tiếng nói và chữ viết của đồng bào Thái đã dần bị mai một. Và những lớp học truyền dạy tiếng nói, chữ viết cổ được mở ra thời gian qua, chính là chiếc cầu nối để bắt nhịp và khơi nguồn cho tình yêu với giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi người con của dân tộc Thái được thăng hoa.

Đã ngoài 70 tuổi, nhưng mỗi tối hàng tuần, ông Lò Văn Vương vẫn chăm chỉ đều đặn đến lớp học truyền dạy chữ Thái cổ được tổ chức tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Đôi mắt đã kém, nay ông Vương phải tập trung lắm mới có thể theo kịp những chỉ dẫn của thầy giáo. Thế nhưng, tình yêu với từng con chữ của chính dân tộc mình là động lực thôi thúc ông kiên trì đến lớp.

Cùng với ông Vương, hiện có 30 người đang theo lớp học đặc biệt này, với độ tuổi từ 15 – 73 tuổi. Họ tham gia lớp học hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Mặc dù khác nhau về độ tuổi, công việc, điều kiện kinh tế, song những người đến đây đều có chung tình yêu với chữ Thái cổ, với cội nguồn dân tộc và khát khao được gìn giữ, tiếp nối giá trị truyền thống đó.

Lớp truyền dạy chữ Thái cổ này là một trong những hoạt động được Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn tỉnh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) tổ chức, thông qua nguồn vốn của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Bằng sự hỗ trợ này, học viên sẽ không phải đóng học phí và được trang bị đầy đủ dụng cụ học tập. Sau 3 tháng đào tạo, học viên được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cấp chứng chỉ.

Đây là lớp học thứ 2 được tổ chức tại Điện Biên, sau lớp học đầu tiên diễn ra thành công vào năm 2018, với sự tham gia của các nghệ nhân dân tộc Thái. Không chỉ mở rộng về quy mô, mà lớp học đang ngày càng mở rộng hơn về thành phần, đối tượng tham gia, hướng đến thế hệ trẻ, với mong muốn đây sẽ là những “hạt nhân” góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có tiếng nói và chữ viết.

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Thái, chữ Thái cổ được coi là di sản tinh thần, kết tinh trí tuệ của tổ tiên để lại và hiện nay chỉ còn lưu giữ trong các sách cổ ghi chép về văn học, lịch sử. Chính bởi vậy, những lớp truyền dạy như thế này không chỉ dừng lại ở việc để mỗi người con dân tộc Thái học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, mà quan trọng hơn là hiểu về cội nguồn, về tình yêu thương, tính nhân văn cao cả và những răn dạy về lẽ sống mà cha ông để lại thông qua kho tàng sách cổ, truyện cổ và những bài đồng giao… Có lẽ hiểu được điều đó nên những học viên này đã thực sự tìm lại được “hồn Thái” trong con người mình khi đến với lớp học. Và những lúc như thế, họ quên đi mọi thứ, chỉ có tình yêu với văn hóa Thái là ở lại…

Hà Linh

Back To Top