Video

Thông qua nhiều chính sách nhân văn, thiết thực đời sống nhân dân

Thứ Tư, 15/07/2020 18:44 Lượt xem: 10993 In bài viết

ĐBP - Với việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận thẳng thắn, dân chủ, tại kỳ họp thứ 14, đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV đã thống nhất biểu quyết thông qua 19 nghị quyết, trong đó có nhiều chính sách nhân văn, liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh nhận được sự nhất trí cao của đại biểu.

Một trong những chính sách nhân văn nhận được sự quan tâm và thống nhất cao của các đại biểu đó là Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Được xem là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế, những năm qua đội ngũ nhân viên y tế, cô đỡ thôn, bản đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở. Đặc biệt, với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn rộng (có bản xa trung tâm xã hàng chục ki-lô-mét), tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nên vai trò của đội ngũ nhân viên y tế, cô đỡ thôn, bản hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2020 nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản không còn nằm trong đối tượng được ngân sách nhà nước chi trả phụ cấp, khiến hoạt động của đội ngũ này bị gián đoạn, gây khó khăn cho công tác truyền thông và chăm sóc sức khỏe cho người dân ở tuyến cơ sở.

Theo Nghị quyết HĐND tỉnh vừa thông qua, bắt đầu từ ngày 1/1/2021, chính sách hỗ trợ đối với nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai. Hàng năm, dựa trên nguồn ngân sách địa phương cân đối, UBND tỉnh sẽ căn cứ vào số lượng nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản để bố trí kinh phí hỗ trợ, với mức chi trả bằng 0,5 mức lương cơ bản đối với nhân viên y tế thôn, bản và bằng 0,3 lương cơ bản đối với cô đỡ thôn, bản. Chính sách này được đại biểu và lãnh đạo nhiều địa phương đánh giá cao.

Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh cũng nhất trí thông qua chủ trương đầu tư một số công trình, dự án, trong đó có 2 dự án liên quan trực tiếp đến vấn đề giao thông đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Nhé, đó là: Dự án Nâng cấp đường giao thông vào bản Nậm Sin, xã Chung Chải và đường giao thông Mường Toong, Nậm Xả, xã Mường Toong. Đây là các tuyến đường giao thông quan trọng song đều chưa được cứng hóa và đã xuống cấp, thường xuyên ách tắc khi vào mùa mưa, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ phục vụ lưu thông hàng hóa, sản xuất nông nghiệp và đi lại giao thương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội cho người dân khu vực và còn thể hiện sự quan tâm của các cấp đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc rất ít người.

Ngoài ra, một số chế độ, chính sách hỗ trợ khác được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp cũng cho thấy sự quan tâm kịp thời, thiết thực của các cấp, ngành đối với người dân. Cụ thể như: Ban hành Quy định mức thu, miễn, giảm, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong đó có việc miễn giảm phí tham quan tại các điểm di tích cho đồng bào dân tộc thiểu số trong các dịp lễ, tết; Quy định mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Ban hành chính sách cấp phát miễn phí báo Điện Biên Phủ cho đảng viên 40 năm tuổi Đảng trở lên và Đảng ủy Quân chủng Hải quân; Quy định về chế độ hỗ trợ cho giám định viên tư pháp và người giúp việc cho giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự hưởng lương ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên...

Tình hình dịch bệnh Covid-19 và những ảnh hưởng đến nền kinh tế - xã hội cũng như đời sống người dân trong những tháng đầu năm là đã thấy rõ. Những dự báo cho 6 tháng cuối năm lại chưa rõ ràng. Tuy nhiên, kịch bản về phát triển kinh tế - xã hội vẫn được Điện Biên quyết định giữ nguyên theo kế hoạch đặt ra đầu năm. Chính vì vậy, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với địa phương. Cùng với nghị quyết về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội thì các chính sách được ban hành đều hết sức quan trọng, hỗ trợ trực tiếp cho người dân khi triển khai thực hiện. Bởi vậy, để thực sự phát huy giá trị nhân văn và hiệu quả của chính sách rất cần sự vào cuộc sát sao trong chỉ đạo, điều hành và đồng bộ, trách nhiệm trong triển khai thực hiện của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Hà Linh - Phạm Quang    

Back To Top