Video

Những người lính chiến thắng thương tật

Thứ Bảy, 25/07/2020 09:57 Lượt xem: 10696 In bài viết

ĐBP - Theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ, chúng tôi tới tham quan mô hình phát triển kinh tế của một thương binh trên địa bàn phường. Đây là mô hình phát triển kinh tế tổng hợp gồm có bể bơi, bãi trông gửi xe ô tô, nhà nghỉ trọ của gia đình thương binh Phạm Quang Dương ở tổ dân phố 9. Xây dựng và phát triển kinh tế theo mô hình tổng hợp này là kết quả sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của thương binh Phạm Quang Dương trên mặt trận xoá đói, giảm nghèo.

Cách đây gần 40 năm, chàng thanh niên Phạm Quang Dương nhập ngũ vào Trung đoàn 784, Sư đoàn 348, thuộc Binh đoàn 678 và tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào từ năm 1981 - 1987. Trong thời gian làm nhiệm vụ ở mặt trận Lào, ông đã bị thương với mức thương tật 2/4. Trở về địa phương, sức khỏe giảm sút, cuộc sống gia đình khó khăn nhưng không khi nào ông Dương trông chờ, ỷ lại vào chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Với ý chí nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ, ông vượt lên thương tật, không cam chịu đói nghèo, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương. Và mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông dần hoàn thiện từ nỗ lực, quyết tâm của người thương binh với tinh thần, ý chí bộ đội Cụ Hồ.

Với phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ, không chỉ tiên phong, gương mẫu phát triển kinh tế, thương binh Phạm Quang Dương còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, được chính quyền, các cấp hội CCB đánh giá cao.

Cũng với tinh thần, ý chí của người lính, thương binh Khoàng Văn Nọi, bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) quyết không đầu hàng trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo. Sau khi tham gia chiến đấu làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào, ông Nọi trở về nhà với thương tật trong người. Địa bàn sinh sống là huyện miền núi biên giới còn nhiều khó khăn nhưng bản thân thương binh Khoàng Văn Nọi và gia đình luôn đi đầu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo. Tâm niệm lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Khoàng Văn Nọi đã cải tạo diện tích đất đồi của gia đình để trồng lúa, cây ăn quả và đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Mô hình phát triển kinh tế của thương binh Phạm Quang Dương và Khoàng Văn Nọi chỉ là 2 trong số rất nhiều thương, bệnh binh đã nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có gần 19.000 hội viên Hội Cựu chiến binh, trong đó khoảng 300 người là thương binh, 189 người là bệnh binh và có hơn 70 người nhiễm chất chất độc màu da cam. Song với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, các thương binh, bệnh binh luôn khắc phục khó khăn, tìm hướng phát triển kinh tế gia đình vừa thoát đói nghèo vừa góp phần xây dựng quê hương no ấm. Nhiều mô hình kinh tế do các thương, bệnh binh làm chủ có hiệu quả cao, là điểm sáng để các hội viên cựu chiến binh tham quan, học tập. Mỗi người một cách làm khác nhau nhưng tất cả đều vì mục đích chung là làm giàu cho gia đình và quê hương bằng chính sức lực của chính mình.

Ngoài việc làm kinh tế giỏi, các thương binh, bệnh binh còn tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, góp sức cùng chính quyền địa phương giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Đó là những người lính đã phát huy phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ, thấm nhuần lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Phạm Quang

Back To Top