Video

Điện Biên chuyển đổi cây trồng nâng cao thu nhập

Thứ Sáu, 02/10/2020 14:18 Lượt xem: 12643 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cẩy trồng để tạo ra các vùng sản xuất một số cây trồng mũi nhọn. Qua đó phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung; phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Những trái bưởi chín vàng, mọng nước như thế này là kết quả sau 7 năm mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình ông Nguyễn Mạnh Cường, thôn A2, xã Noong Luống (huyện Điện Biên). Trước đây, 4.000m2 đất này gia đình ông Cường trồng cỏ voi để chăn nuôi trâu, bò nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau quá trình tìm hiểu, nhận thấy cây bưởi dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương nên năm 2013, ông Cường đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất của gia đình sang trồng bưởi. Ba năm đầu, vườn bưởi bắt đầu cho quả nhưng chất lượng quả chưa ngon nên ông Cường không lấy quả mà tập trung nuôi cây. Bắt đầu từ năm thứ tư, vườn bưởi của gia đình ông Cường cho thu hoạch. Do biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên năm nào vườn bưởi của gia đình ông cũng cho năng suất cao, trừ mọi chi phí thu lãi gần 70 triệu đồng/năm.

Ðể ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Ðiện Biên đã chủ động khảo sát thực tế sản xuất, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả, đất nương sang trồng loại cây khác. Đối với huyện Ðiện Biên, huyện thuần nông chuyên sản xuất lúa, trước những khó khăn về nguồn nước tưới, UBND các xã đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kiểm tra, rà soát, thống kê những diện tích thiếu nước sản xuất, không thể gieo cấy ngay từ đầu vụ; đồng thời khuyến khích và hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác, như: ngô, đậu đỗ, khoai lang, rau màu… để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại. Nhờ vậy, mấy năm gần đây người dân các xã vùng lòng chảo: Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống, Thanh Xương, Pom Lót, Noong Hẹt… đã chủ động chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang rau màu, các loại cây ăn quả cho thu nhập cao hơn trồng lúa và góp phần cải tạo đất khá hiệu quả.

Xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả và chuyển những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, huyện Mường Chà đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi những vùng trồng ngô, sắn không hiệu quả sang trồng cây dứa theo hướng hàng hóa, để mang lại hiệu quả cao hơn. Từ những diện tích canh tác manh mún ban đầu, đến nay, Mường Chà được biết đến là vùng có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh Điện Biên. Toàn huyện hiện có gần 360ha dứa. Để có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập, người dân Mường Chà được hướng dẫn sản xuất dứa theo hướng VietGAP, liên kết và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn. Cây dứa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương nên UBND huyện Mường Chà xác định cây dứa là cây ăn quả chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả, nhằm giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh ta đã chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác những lợi thế của địa phương để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Giai đoạn 2015 – 2020, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích gần 1.830ha; qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong 5 năm (2015 – 2020), Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã thu được nhiều kết quả quan trọng khi toàn tỉnh đã hình thành và cấp xác nhận 19 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; thu hút được 21 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp với tổng số vốn trên 6.000 tỷ đồng, đặc biệt là các dự án chuyển đổi cây trồng trên nương kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca. Đồng thời tiếp tục duy trì, khai thác vùng có lợi thế trồng cây công nghiệp dài ngày với diện tích 5.131ha cây cao su, trên 3.700ha cây cà phê và 597ha cây chè, đã giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người lao động.

Có thể thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng đất, tạo đột phá về năng suất và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Việc nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và tạo động lực thực hiện thành công công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Phạm Quang

Back To Top