Video

Động lực phát triển bền vững

Thứ Ba, 06/10/2020 14:41 Lượt xem: 11599 In bài viết

ĐBP - Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong 5 năm qua (2015 - 2020), công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã mang lại những tín hiệu rất tích cực. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, sản xuất của nhân dân đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 3,49% (vượt mục tiêu Nghị quyết).

Đây là mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Lò Văn Tiên, ở bản Huổi Sứa, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng). Là một hộ nghèo, khó khăn của địa phương nhưng với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, anh Tiên luôn suy nghĩ, tìm hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình. Ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh tận dụng diện tích đất vườn của gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn gà và đào ao thả cá. Để phát triển đàn gia súc, anh Tiên luôn tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ở xã Ẳng Cang nói riêng và huyện Mường Ảng nói chung, gia đình anh Tiên là một trong những điển hình tiên phong trồng cỏ voi và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để nuôi nhốt trâu, bò thay vì thả rông. Đến nay, gia đình anh Tiên luôn duy trì nuôi trên 10 con trâu, bò, vừa cung ứng trâu, bò thịt vừa bán con giống cho bà con trong bản, xã; thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm. Nhờ vậy, gia đình anh Tiên đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Khác với anh Tiên, gia đình ông Lò Văn Pỏm, bản Mới, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) phát triển kinh tế bằng việc trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với hơn 1ha đất nương, ông Pỏm trồng xoài và chuối để tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Tham gia bảo vệ rừng, gia đình ông Pỏm được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và ông tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó, mỗi năm gia đình ông nuôi gần 300 con gà; cung cấp ra thị trường hơn 6 tạ gà thịt/năm. Ngoài nuôi gà, gia đình ông còn nuôi lợn, trâu, bò và đào ao thả cá. Hiện tại, với đàn bò gần 10 con, hơn 1ha cây ăn quả và đàn gia súc, gia cầm đã giúp gia đình ông Pỏm có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Đó là kết quả xứng đáng được đền đáp sau rất nhiều năm ông Pỏm nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương.

Điện Biên hiện có 7 huyện nghèo, trong đó có 5 huyện nghèo nhóm 1 và 2 huyện nghèo nhóm 2. Bên cạnh những cố gắng phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo của người dân, thời gian qua, các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giảm nghèo đã giúp nhiều địa phương phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ sinh kế cho người dân xóa đói giảm nghèo.

Nậm Pồ là huyện nghèo thuộc nhóm 1, được hỗ trợ áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện còn hơn 6.000 hộ nghèo, chiếm 60% tổng số hộ. Nhờ được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách về xóa đói giảm nghèo mà đời sống của người dân trong vùng từng bước được nâng lên, nhiều gia đình đã thoát nghèo. Thông qua việc thực hiện dự án, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hàng năm huyện đã hỗ trợ các loại cây giống, vật nuôi tạo điều kiện để người dân có tư liệu sản xuất phát triển kinh tế. Tính riêng năm 2019, các chương trình, dự án, như: Chương trình 135, 30a và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ trên 600 con trâu, 200 con bò cho hơn 700 hộ nghèo trên địa bàn huyện; tạo việc làm mới cho gần 500 lao động; đưa 11 người đi xuất khẩu lao động tại Lào và Nhật Bản; đồng thời đào tạo nghề cho gần 300 lao động nông thôn…

Bằng nhiều giải pháp, đồng bộ, tích cực của cấp ủy, chính quyền và nỗ lực vượt khó của nhân dân, công tác xóa đói giảm nghèo của huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ đã đạt được những kết quả quan trọng. Bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thay thế cho việc độc canh cây lúa, ngô. Thu nhập tăng lên, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Một số hộ nghèo trên địa bàn huyện đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, nhường sự hỗ trợ cho các hộ khó khăn hơn. Sự cố gắng trong canh tác, sản xuất và ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân đã dần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, các dân tộc trên địa bàn; góp phần thay đổi diện mạo huyện biên giới Nậm Pồ.

Xác định xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Điện Biên đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách xã hội được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, sửa chữa nhà ở... Tuyên truyền, vận động giúp người dân nắm được chủ trương, chính sách về giảm nghèo; thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước; chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao năng suất. Đặc biệt là triển khai tốt các chương trình dự án về giảm nghèo, như: Chương trình 135 CP, 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới… Trong 5 năm (2016 – 2020), các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a trên địa bàn tỉnh được bố trí kinh phí đầu tư xây dựng gần 140 công trình; hỗ trợ khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang cho 2.775 hộ… Đến hết năm 2019, nguồn vốn từ Chương trình 135 đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 359 công trình; duy tu bảo dưỡng 157 công trình; hỗ trợ sản xuất 6.574 con trâu, bò; 55.576 con gia cầm; 1.105 máy móc thiết bị… Ngoài ra có sự hỗ trợ từ kinh phí của Dự án phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135, 30a; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 48,14% (cuối năm 2015) xuống còn 33,05% (đầu năm 2020). Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Điện Biên đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia, hỗ trợ sinh kế và thay đổi nhận thức của người dân vươn lên xóa đói nghèo. Kết quả đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo những năm qua sẽ là nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững trong thời gian tới.

Phạm Quang

Back To Top