Video

“Con nuôi đồn biên phòng” - mô hình nghĩa tình

Thứ Bảy, 31/10/2020 09:08 Lượt xem: 16009 In bài viết

ĐBP - Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc người “cha nuôi” quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Nà Hỳ đến tận phòng kèm cặp, giúp đỡ Phùng A Vải và Tẩn Sinh Niền học tập. A Vải và Sinh Niền là 2 con nuôi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nà Hỳ nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại đơn vị theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.

Hoàn cảnh gia đình của cả 2 em Phùng A Vải và Tẩn Sinh Niền đều rất khó khăn. Bố Tẩn Sinh Niền mất sớm, mẹ đi bước nữa bỏ lại Niền sống cùng với người bà già yếu. Cuộc sống của 2 bà cháu chỉ trông vào mảnh ruộng nhỏ nên luôn trong cảnh “bữa đói, bữa no”. Từ khi được Đồn Biên phòng Nà Hỳ nhận nuôi, Niền được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ lại hướng dẫn học hành như những người con trong gia đình.

Ngôi nhà sập sệ, dột nát này là nơi ăn ở, sinh hoạt của 2 bố con em Phùng A Vải trước khi Vải về làm con nuôi Đồn Biên phòng Nà Hỳ. Khi mới sinh Vải được mấy tháng, mẹ em đã bỏ 2 bố con đi, bố em lại nghiện rượu nên việc chăm sóc, nuôi dạy em cũng chỉ “được chăng hay chớ”. Cuộc sống của 2 bố con Vải trông chờ vào chính sách hỗ trợ lương thực, thuốc men của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi được nhận làm “con nuôi đồn biên phòng”, được các “cha nuôi” biên phòng Nà Hỳ chăm sóc chu đáo cũng như tạo điều kiện để được đến trường nên Vải rất phấn khởi. 

Từ đầu tháng 9/2019, Đồn Biên phòng Nà Hỳ đã nhận nuôi Niền và Vải theo mô hình “con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai rộng khắp trong toàn lực lượng. Thực hiện mô hình, các đồn biên phòng nhận nuôi các cháu độ tuổi từ 6 đến 15 là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn đồn phụ trách, ưu tiên các cháu mồ côi, không nơi nương tựa. Từ khi trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Nà Hỳ, hai em Niền và Vải đã có thêm những “bố nuôi” mang quân hàm xanh. Được sống trong ngôi nhà mới với điều kiện sinh hoạt, học tập đầy đủ cùng với sự chăm lo chu đáo từ bữa ăn đến giấc ngủ và cả việc học hành, các em có thể yên tâm vui chơi và học tập.

Còn ở Đồn Biên phòng Pa Thơm, cán bộ, chiến sĩ cũng nhận nuôi 2 cháu Quàng Văn Kiên và Quàng Trung Thành. Sau buổi học trên lớp về, Kiên và Thành lại cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trồng và chăm sóc vườn rau xanh. Đây cũng là 2 em nhỏ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Pa Thơm, huyện Điện Biên. Sinh ra và lớn lên trong gia đình không có điều kiện nuôi dưỡng, học tập nên các em đã được Đồn Biên phòng Pa Thơm nhận nuôi. Sinh sống tại Đồn Biên phòng, 2 em được bố trí căn phòng riêng, trang bị giường ngủ, tủ đựng quần áo, sách vở và góc học tập riêng. Sống ở môi trường mới, các em nhận được tình yêu thương, chăm sóc và kèm cặp mỗi ngày của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị như những người cha; điều đó đã tiếp thêm động lực để các em cố gắng hơn trong học tập và cuộc sống.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã và đang thực hiện tốt mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Đến nay, các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Điện Biên đã nhận nuôi 26 cháu có độ tuổi từ 6 - 15. Các cháu đều có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi, con liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách ở địa bàn biên giới. Cùng với chương trình “Nâng bước em tới trường”, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là hoạt động thiết thực, ý nghĩa của lực lượng biên phòng đối với sự nghiệp giáo dục vùng biên.

Phạm Quang - Hoàng Hà

Back To Top