Video

Thầm lặng những cô đỡ thôn bản

Thứ Bảy, 21/11/2020 12:43 Lượt xem: 13379 In bài viết

ĐBP - Ở những bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Chà, việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân còn nhiều hạn chế. Song, ở nơi đó đội ngũ cô đỡ thôn bản đã phát huy tốt vai trò chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc trẻ sơ sinh… Họ đã và đang âm thầm góp sức mình vào việc phổ biến kiến thức, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai và sau sinh để những đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh, an toàn.

Con đường mòn mấp mô, lổm nhổm đá cuội nhưng chị Mùa Thị Lơ - cô đỡ bản Chiêu Ly, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) vẫn thường xuyên phải đi bộ qua đây để đến tận nhà người dân trong bản tuyên truyền, phổ biến kiến thức sinh sản; kiểm tra sức khỏe cho mẹ và các cháu bé. Đường khó đi, chỉ có thể đi bộ nhưng bất kể ngày hay đêm, trong bản có ca chuyển dạ sinh con hay trẻ em ốm sốt… chị Lơ đều có mặt kịp thời để giúp đỡ. Dù khó khăn, vất vả nhưng chị Lơ không bao giờ quên được những kỷ niệm sau mỗi lần giúp đỡ được các thai phụ mẹ tròn, con vuông.

Sinh con được hơn 1 năm nay, song gia đình chị Giàng Thị Sú, bản Chiêu Ly (xã Sa Lông) luôn coi cô đỡ Mùa Thị Lơ là ân nhân của gia đình. Từ khi chị Sú mang thai đến khi sinh nở, đều có bàn tay giúp đỡ của chị Lơ, từ việc hướng dẫn đi khám thai định kỳ tại Trạm Y tế, ăn uống đủ chất đến tiêm chủng theo quy định và chăm sóc con nhỏ... Nhờ có chị Lơ mà sức khỏe sau sinh của 2 mẹ con chị Sú đều khỏe mạnh, cháu bé phát triển tốt. Không những vậy, chị Lơ còn thường xuyên dành thời gian đến nhà thăm hỏi và kiểm tra sức khỏe cho cháu bé. Sự quan tâm, nhiệt tình của cô đỡ Mùa Thị Lơ đã nhận được sự tin tưởng, yêu quý của bà con dân bản.

Đã 9 năm làm nhiệm vụ cô đỡ bản, chị Lò Thị Nhung, bản Hin 1, xã Na Sang (huyện Mường Chà) đã giúp đỡ rất nhiều gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, vận động tiêm chủng, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình... Công việc cô đỡ vất vả và luôn bị động nhưng khi có ai gọi, chị Nhung sẵn sàng có mặt hỗ trợ, giúp đỡ. Mỗi lần đến tuyên truyền, thăm khám cho thai phụ, chị Nhung cũng rất lo lắng nhưng niềm vui, hạnh phúc lại tràn ngập khi đỡ đẻ thành công cho một ai đó. Mỗi cháu bé chào đời, mẹ tròn con vuông là động lực để chị Nhung quên đi những vất vả, mệt nhọc và gắn bó với nghề hơn.

Hiện nay, toàn huyện Mường Chà có hơn 70 nhân viên y tế thôn, bản và 20 cô đỡ thôn, bản. Đây là đội ngũ y tế cơ sở quan trọng làm công tác tuyên truyền, vận động, nhằm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về chăm sóc phụ nữ mang thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế. Ngoài các dịch vụ do Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã cung cấp, đội ngũ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản là lực lượng thực hiện tốt việc quản lý thai nghén, khám sức khoẻ định kỳ cho các bà mẹ mang thai tại các bản vùng sâu, vùng xa; cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và đỡ đẻ tại nhà. Vì vậy, để triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến với chị em tại các địa bàn xa xôi, khó khăn, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của cán bộ y tế cơ sở đặc biệt là đội ngũ cô đỡ thôn, bản.

Thực tế, ở không ít bản vùng cao, dù đã được cán bộ y tế tuyên truyền, vận động, song người dân vẫn ngại đến Trạm Y tế xã để khám thai, sinh đẻ; bởi đường sá đi lại khó khăn cùng với tư tưởng e thẹn, xấu hổ. Tuy nhiên, với việc phát huy vai trò của đội ngũ y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản, bà con ở khu vực vùng sâu, vùng xa đã hiểu biết hơn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hạn chế được những tai biến sản khoa khi sinh nở. Đội ngũ cô đỡ thôn bản cũng là những người thực hiện việc quản lý phụ nữ mang thai, đỡ đẻ tại nhà, thầm lặng với công việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em ở những bản làng vùng sâu, vùng xa. Với các thôn bản vùng cao, vùng sâu, việc duy trì hoạt động của đội ngũ y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản là rất cần thiết; là kênh tuyên truyền hiệu quả, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, hạn chế các trường hợp tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS tại các bản vùng cao, vùng sâu.

Quang Hưng

Back To Top