Video

Ô nhiễm môi trường từ sơ chế dong riềng

Chủ Nhật, 13/12/2020 15:27 Lượt xem: 14246 In bài viết

ĐBP - Dòng suối đen kịt với bã bọt dong riềng kết váng nổi trên mặt nước, bốc mùi hôi thối là thực trạng đã diễn ra mấy tháng nay trên suối Nậm Rốm, đoạn chảy qua địa bàn các xã: Nà Tấu, Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ). “Đến hẹn lại lên”, từ khoảng tháng 9 đến tháng 12 hàng năm vào thời điểm thu hoạch, sản xuất dong riềng, hoạt động của gần chục cơ sở thu mua, chế biến dong riềng chủ yếu ở xã Nà Tấu đã khiến dòng suối Nậm Rốm bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Đây là dòng nước thải từ các cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng sau khi đã được lọc qua các ao lắng chảy ra suối Nậm Rốm. Dù đã qua 4 - 5 ao đất để lọc, song nước thải vẫn khá đục và kéo theo nhiều bọt, bã dong riềng xuống suối, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân phía hạ nguồn.

Cách các cơ sở sơ chế, sản xuất dong riềng trên địa bàn xã Nà Tấu gần chục ki lô mét, nhưng dòng suối Nậm Rốm chảy qua địa phận bản Huổi Hẹ (xã Nà Nhạn) vẫn đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Theo Trưởng bản Huổi Hẹ Lò Văn Hiệp, cả bản có hơn 90 hộ thì khoảng 15 hộ sinh sống gần suối Nậm Rốm bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối từ suối bốc lên, tác động xấu đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, việc xả thải ra nguồn nước suối còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc canh tác lúa trên địa bàn. Vì lẽ đó, năm nào dân bản cũng ý kiến nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tái diễn, khiến bà con khá bức xúc.

Suối Nậm Rốm cũng là nguồn nước tưới cho phần lớn diện tích canh tác của bản Nà Nhạn 1 (xã Nà Nhạn). Tuy nhiên, do nguồn nước bị ô nhiễm, sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng nên nhiều gia đình đành phải chờ nước sạch mới dẫn vào ruộng và tiếp tục gieo cấy vụ mới. Gia đình ông Quàng Văn Lẻ, bản Nà Nhạn 1 (xã Nà Nhạn) có 3.500m2 ruộng sử dụng nguồn nước suối Nậm Rốm để gieo cấy. Thời điểm này vào năm 2018, do chưa biết tác hại của nguồn nước bị ô nhiễm bởi dong riềng nên ông Lẻ vẫn dẫn nước suối vào ruộng lúa khiến lúa bị héo chết. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay ông Lẻ đang đợi nước suối bớt ô nhiễm, sạch hơn mới dẫn vào ruộng để gieo cấy.

Với diện tích ao nuôi cá này, hàng năm ông Lường Văn Điện, bản Nà Nhạn 1 (xã Nà Nhạn) vẫn lấy nước từ suối Nậm Rốm dẫn vào ao nuôi cá. Thế nhưng do nguồn nước suối bị ô nhiễm nên ông Điện không thể lấy nước bổ sung vào ao để thả cá.

Việc sơ chế, sản xuất dong riềng ảnh hưởng đến môi trường, tác động xấu đến cuộc sống người dân đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Để hạn chế ô nhiễm, các chủ cơ sở chế biến dong riềng đã đào ao, xây bể chứa bã dong riềng lắng đọng lại. Thế nhưng với tần suất hoạt động liên tục thì chẳng mấy các ao, bể này sẽ đầy, tràn ra môi trường. Dù một số cơ sở đã dẫn nguồn nước thải vào ruộng của người dân làm phân hữu cơ nhưng với công suất sản xuất lớn thì việc xử lý bã thải, nước thải hàng ngày không thể đảm bảo và việc gây ô nhiễm môi trường khó tránh khỏi. 

Trên địa bàn xã Nà Tấu có gần 10 cơ sở sơ chế dong riềng. Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sơ chế dong riềng, trước khi bước vào vụ sản xuất, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ các cơ sở ký cam kết thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, nếu cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, vào mỗi vụ sản xuất, lượng nước thải, chất thải từ các cơ sở sơ chế dong riềng xả ra là rất lớn và nước thải vẫn tràn thẳng ra môi trường khiến không ít cơ sở “ký cam kết một đằng, còn thực hiện thì một nẻo”.

Để kiểm định mức độ ô nhiễm của nguồn nước, trước đó cơ quan chức năng đã kiểm tra một số cơ sở sản xuất tinh bột dong riềng tại địa bàn. Căn cứ Biên bản làm việc vào ngày 12/11/2020 cho thấy các chỉ số pH, nhiệt độ, độ dẫn điện, độ muối, DO đều nằm dưới ngưỡng quy định tại cột B, QCVN14:2002/BTNMT. Tuy nhiên, thực tế nước suối đen kịt, vẩn đục, khắp nơi nổi bọt và bã dong riềng vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất, khiến không ít người dân bày tỏ sự lo lắng, bức xúc.

Hoạt động của các cơ sở thu mua, sơ chế dong riềng góp phần không nhỏ giúp người dân tăng thu nhập từ cây dong riềng, đem lại hiệu quả xóa đói giảm nghèo của địa phương, song hậu quả của ô nhiễm môi trường từ chế biến dong riềng vẫn đang hiện hữu mỗi khi đến vụ thu hoạch. Trong khi đó, việc hạn chế kinh phí đầu tư dây chuyền sơ chế càng khiến các chủ cơ sở rơi vào tình trạng “cái khó bó cái khôn” và đành chọn lựa lợi ích kinh tế mà bỏ qua những yếu tố ảnh hưởng môi trường. Chính quyền địa phương, các ngành chức năng vẫn loay hoay với bài toán giải quyết thực trạng ô nhiễm mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế của người dân. Vẫn biết việc giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường khi sơ chế dong riềng là khó nhưng không thể để tình trạng ô nhiễm nguồn nước, môi trường ở khu vực Nà Tấu, Nà Nhạn kéo dài từ vụ dong riềng năm này qua năm khác. Về lâu dài, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các cơ sở sơ chế dong riềng cần thực hiện nghiêm các giải pháp giải quyết dứt điểm vấn nạn ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, sơ chế dong riềng, nhằm bảo vệ môi trường sống, giúp người dân trên địa bàn yên tâm, lao động sản xuất.

Phạm Quang

Back To Top