Video

Phát triển sản phẩm thương hiệu

Khi chủ trương chưa “đi” cùng hành động

Thứ Tư, 06/01/2021 10:12 Lượt xem: 9572 In bài viết

ĐBP - Với lợi thế cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, nhiều năm nay, tỉnh Điện Biên đã quan tâm tìm hướng đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, nhằm tạo sản phẩm gạo chất lượng. Đây cũng là hướng đi được nhiều doanh nghiệp khác ở Điện Biên lựa chọn để phát triển thương hiệu. Đối với Công ty Safe Green, mặc dù là đơn vị duy nhất được cấp chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu gạo Bắc thơm số 7 (hay còn gọi là Tám Điện Biên), tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thực sự phát huy được giá trị sản phẩm. Theo đại diện công ty thì nguyên nhân chính là do thiếu sự quan tâm, định hướng trong việc khai thác, bảo vệ thương hiệu.

Cùng câu chuyện tương tự, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên hiện đang tổ chức sản xuất với quy mô gần 200ha lúa. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, những năm qua hợp tác xã đã đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, từng bước hình thành quy trình đồng bộ. Tuy nhiên, theo Giám đốc Hợp tác xã này, hiện nay việc hỗ trợ thực tế nhu cầu của mỗi đơn vị từ các chính sách đang bị rập khuôn.

Ngoài gạo, Điện Biên còn nhiều sản phẩm đặc sản mang tính chất vùng miền khác, như: Chè Shan tuyết Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng hay mật ong, thịt sấy, chẳm chéo… Hầu hết các sản phẩm trên đều có doanh nghiệp hoặc hộ dân đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm chỉ duy trì ở quy mô nhỏ, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh còn thấp. Đặc biệt sự liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường.

Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào các sản phẩm đặc trưng về trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Việc phát triển nông nghiệp phải theo hướng hàng hóa, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất để gia tăng giá trị trên thị trường. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách, lồng ghép các nguồn lực để phát triển sản phẩm nông nghiệp; quan tâm hỗ trợ các hoạt động đầu tư khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã hình thành 19 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn chứng nhận VietGap cho 112ha. Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, năm 2019 đã chứng nhận cho 22 sản phẩm nông nghiệp đặc sản đạt tiêu chuẩn OCOP. Để những kỳ vọng đã đặt ra sớm được hiện thực hóa, thì sự đồng bộ từ chủ trương đến hành động đang là điều kiện đủ để Điện Biên hoàn thiện các yếu tố cần thiết đưa sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương vươn xa và có vị thế vững chắc trên thị trường.

Hà Linh

Back To Top