Video

“Gieo” tình yêu nghề truyền thống cho lớp trẻ

Thứ Sáu, 08/01/2021 09:00 Lượt xem: 9740 In bài viết

ĐBP - Từ khi còn nhỏ, những cô gái trẻ này đã được các bà, các mẹ hướng dẫn, chỉ dạy cho cách thêu hoa văn trên vải để may trang phục truyền thống. Cách “mẹ truyền con nối” ở đây đã và đang góp phần lưu giữ nghề truyền thống của người Mông ở xã Sa Lông (huyện Mường Chà).

Đây là những hoa văn do chị Hồ Thị Dua, xã Sa Lông đã hướng dẫn cho cô con gái của mình thêu. Dù những hoa văn trên vải chưa hoàn thiện nhưng đôi bàn tay của cô gái này đã cho thấy sự khéo léo, tỉ mỉ qua từng đường kim, mũi chỉ. Chị Dua cũng không biết nghề thêu hoa văn trên vải của người Mông hoa có từ bao giờ nhưng nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa ấy như đã ngấm sâu vào máu thịt của người phụ nữ dân tộc Mông từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tại bản Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên), nghề dệt thổ cẩm cũng được lưu truyền và phát triển từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nghề dệt thổ cẩm được xem là một trong số ít những nghề truyền thống vẫn được gìn giữ duy trì và phát triển trên địa bàn tỉnh. Nếu như trước đây, nghề truyền thống này có giai đoạn đứng trước nguy cơ mai một thì nay đã hình thành được HTX dệt thổ cẩm dân tộc Lào tại bản Na Sang 2, với 15 thành viên. Điều đáng mừng nhất là nghề truyền thống này cũng đang dần thu hút được thế hệ trẻ trong bản tham gia gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, cũng như quảng bá văn hóa dân tộc.

Để giới thiệu thế hệ trẻ trong nhà trường về giá trị văn hóa cũng như khơi gợi ý thức giữ gìn bảo vệ những nét đẹp truyền thống của dân tộc, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm khám phá làng nghề truyền thống. Đến với HTX dệt thổ cẩm dân tộc Lào tại bản Na Sang 2 lần này, đoàn viên, thanh niên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã bị cuốn hút bởi từng chi tiết trên những tấm thổ cẩm cũng như đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân ở đây. Qua đó, các bạn trẻ càng hiểu thêm về ý nghĩa và càng nâng niu, trân trọng hơn những giá trị văn hóa của người xưa để lại.

Điện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống, với sự kết hợp đa dạng các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo ra nét đặc trưng của nghề truyền thống. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển nghề truyền thống không chỉ cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà các nghệ nhân cũng cần hướng thế hệ trẻ đến với các giá trị văn hóa dân tộc và nỗ lực truyền dạy nghề truyền thống. Việc vun đắp tình yêu nghề truyền thống cho lớp trẻ có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa định hướng nghề nghiệp, vừa giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc cho hôm nay và mai sau.

Phạm Quang

Back To Top