Video

Nhịp cầu nối đôi bờ vùng khó

Thứ Tư, 13/01/2021 14:48 Lượt xem: 8109 In bài viết

ĐBP - Ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cầu dân sinh được xây dựng còn ít và chủ yếu là cầu treo dân sinh, cầu tạm bằng dầm gỗ. Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) đã ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng ở Điện Biên nhiều cây cầu bê tông có độ bền cao, thay thế những cây cầu yếu, cầu tạm hay ngầm tràn qua suối. Những cây cầu khi hoàn thành không chỉ nối gần các bản làng xa xôi, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa bàn vùng khó Điện Biên.

Suối Nậm Rốm là nguồn cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho người dân trên địa bàn xã Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ), nhưng dòng suối này cũng chia cắt một số bản với trung tâm xã, quốc lộ 279, khiến việc đi lại và sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn. Hiện nay đang là mùa khô, dòng suối chảy khá êm đềm; nhưng khi mùa mưa đến, nước dâng cao, chảy xiết. Khi chưa có cầu kiên cố, người dân một số bản phía bên kia suối không thể qua suối hoặc phải đi vòng đường xa, hay qua cầu tạm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Từ thực tế đó, Dự án LRAMP trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng một số công trình cầu bản: Huổi Chổn, Tẩu Pung, Nà Ngám (xã Nà Nhạn)… bắc qua suối Nậm Rốm, giúp cho người dân đi lại và sản xuất thuận lợi.

Cầu treo bản Púng Giắt 1, 2 thuộc xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) bắc qua suối Nậm Mức, là lối đi duy nhất để người dân 2 bản: Huổi Ho và Huổi Meo ra quốc lộ 12 và trung tâm xã. Cây cầu này cũng tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con 2 bản Púng Giắt 1 và Púng Giắt 2 đi nương, làm ruộng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với một cây cầu treo, việc vận chuyển nông sản chỉ có thể chở bằng xe máy. Để khắc phục khó khăn ấy, năm 2020, Dự án LRAMP đã xây dựng cầu bê tông cốt thép kiên cố thay thế cho cầu treo. Chiếc cầu bê tông với chiều rộng 4m, xe tải nhỏ có thể qua đây vào thu mua nông sản cho người dân. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy lưu thông trao đổi hàng hóa nông sản cho bà con các bản Huổi Ho, Huổi Meo.

Cầu Púng Giắt thuộc gói thầu thành phần 7, gồm 10 cầu và được thi công từ tháng 9/2020. Ðể đảm bảo chất lượng công trình, Ban Bảo trì đường bộ (Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên) thường xuyên cử cán bộ đến công trường kiểm tra các hạng mục. Đồng thời trao đổi, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thi công, yêu cầu đơn vị nhà thầu thực hiện các giải pháp để công trình đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiến độ đề ra, sớm bàn giao đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.

Thực hiện Dự án LRAMD trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Ban Quản lý dự án 4 giao Ban Bảo trì đường bộ (Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên) làm đơn vị tư vấn và quản lý dự án. Đến nay, Ban đã thực hiện được 72 chiếc cầu, trong đó 57 cầu đã bàn giao đưa vào sử dụng; còn lại 10 cây cầu của gói thầu thành phần 7 đang triển khai, 5 cầu bàn giao cho huyện, xã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đầu quý I năm 2021, các công trình cầu dân sinh thuộc gói thầu thành phần 8 của dự án sẽ triển khai.

Xác định rõ tầm quan trọng của Dự án LRAMD, Ban Bảo trì đường bộ phối hợp với đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác quản lý dự án, kiểm soát chặt chẽ chất lượng từng công trình để bảo đảm nguồn vốn của Nhà nước được đầu tư hiệu quả, theo đúng quy định. Cùng với sự quan tâm vào cuộc giải phóng mặt bằng của các địa phương, đến nay các công trình đều được thi công và hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ, kế hoạch, đảm bảo chất lượng. Những cây cầu LRAMD đã trở thành một mắt xích quan trọng nối đường thôn bản với đường xã, đường huyện, tỉnh lộ, quốc lộ; tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế và giúp người dân địa bàn vùng sâu, vùng xa vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Những công trình được đầu tư thuộc Dự án LRAMP đã khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong phát triển hạ tầng giao thông nông thôn ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đặc biệt khó khăn. Mỗi cầu, cống hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ nối gần những vùng khó khăn với khu vực trung tâm, thành phố; qua đó phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong tỉnh.

Phạm Quang

Back To Top