Video

Nỗi niềm người trồng đào và buôn đào tết

Thứ Bảy, 23/01/2021 12:53 Lượt xem: 8149 In bài viết

ĐBP - Hơn một tháng nay, những người dân tại bản Chiêu Ly, xã Sa Lông, huyện Mường Chà vô cùng thấp thỏm, bất an bởi hàng trăm gốc đào của họ trồng để bán vào dịp tết nhưng hiện nay vẫn chưa có thương lái nào đến hỏi mua.

Gia đình ông Hù Thú Sử, bản Chiêu Ly là hộ trồng đào lâu năm, với 20 gốc đào trồng quanh nhà và trên nương, có những cây đào đã trên 30 năm tuổi. Vốn dĩ gia đình ông Sử trồng đào để thu hoạch, bán quả đào chín. Song do nhu cầu thị trường, ông Sử còn bán cành đào cho thương lái đến mua tận nhà vào mỗi dịp giáp tết. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán nhưng chưa có thương lái nào đến hỏi mua cành đào. Đã thế, một số người đặt tiền cọc rồi còn đến ngỏ ý xin lại tiền. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chỉ đạo cấm chặt đào rừng mang về xuôi bán trong dịp Tết Nguyên đán của Thủ tướng Chính phủ, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra ngày 24/12/2020.

Cũng như gia đình ông Sử, nhiều hộ dân trồng đào trong bản Chiêu Ly đều chưa bán được cành đào nào cho thương lái. Mặc dù biết tất cả những cây đào này đều do nguời dân Chiêu Ly trồng, nhưng thương lái không dám đến đặt mua đem về thành phố bán, bởi họ lo ngại khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì không có giấy tờ, căn cứ nào chứng minh là đào của dân trồng, chứ không phải đào khai thác từ rừng. Đây cũng là băn khoăn lớn nhất của những thương lái đào tết trên địa bàn.

Ngoài bản Chiêu Ly, ở xã Sa Lông còn 3 bản khác cũng trồng nhiều đào, là: Cổng Trời, Thèn Pả và Pu Ca. Đây đều là các bản người dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Hàng năm, từ việc bán cành đào cho  thương lái tới mua, bà con mới có thể kiếm thêm vài triệu đồng để gia đình cải thiện đời sống, đón tết vui vầy. Năm nay, nếu không bán được những cành đào này, nhiều hộ dân trong xã Sa Lông sẽ không được đón tết an vui.

Hiện nay đã cận tết, những người trồng đào và buôn đào đều băn khoăn, lo lắng và loay hoay trong việc làm sao phân biệt, chứng minh được đào dân trồng với đào rừng để có thể bán đào bình thường như mọi năm. Tại bản Trống Giông B, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, thời điểm này người dân trồng đào đều đứng ngồi không yên vì hàng loạt cây đào trồng trên nương, cạnh bìa rừng đều không thể khai thác đem xuống trung tâm để bán.

Đây là một trong số 200 gốc đào do anh Hạ A Dếnh, bản Trống Giông B trồng trên nương. Gốc, cành đào này đều có thế đẹp và thân mốc, dáng vẻ tự nhiên như đào mọc trong rừng. Chính vì thế, không có ai dám đến mua đào của anh Dếnh đem bán; bản thân anh Dếnh cũng không dám khai thác cành đào đem về bản. Nếu năm nay không bán được cành đào, không chỉ anh Dếnh mà hàng loạt hộ dân khác trồng đào tại bản Trống Giông B sẽ đều thất thu, bởi nhiều hộ dân ở đây trồng đào để kinh doanh, với số lượng lớn từ vài chục đến vài trăm gốc đào.

Thấu hiểu lo ngại của bà con, nhưng về phía chính quyền xã Phì Nhừ cũng chưa có biện pháp cụ thể nào mở hướng, tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng đào trong xã. Nguyên nhân chính là do chưa có ý kiến, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nào từ phía chính quyền cấp trên trong việc tạo điều kiện cho bà con làm các giấy tờ xác nhận để kinh doanh, buôn bán đào dịp tết. Do đó, chính quyền xã Phì Nhừ đã làm văn bản gửi UBND huyện Điện Biên Đông, xin ý kiến, chủ trương để tháo gỡ khó khăn cho bà con trồng, bán đào dịp tết; đồng thời nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con các bản nhanh chóng cùng trưởng bản, ban cộng đồng bản đi xác nhận số lượng, quy chủ gốc đào trồng trên nương và ra UBND xã làm giấy xác nhận tạm thời, giấy ủy quyền cho thương lái, nếu có nhu cầu mua, bán đào dịp tết.

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà và Điện Biên Đông, ngay khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cấm chặt đào rừng, phía Hạt với vai trò là đơn vị quản lý về lâm nghiệp đã có công văn tham mưu cho UBND các huyện ban hành và hướng dẫn các xã chỉ đạo bà con trồng đào thực hiện làm giấy xác nhận, truy xuất nguồn gốc, quy chủ những cây đào bà con trồng, có chứng thực tại xã theo hướng dẫn của Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Đồng thời, bà con khi bán đào mình trồng cho thương lái sẽ phải làm giấy ủy quyền (có xác nhận của chính quyền địa phương) và căn cứ vào đó để lực lượng chức năng kiểm tra, tạo điều kiện cho thương lái chở cành đào dân trồng về nơi khác bán.

Mặc dù ngành chức năng có văn bản, hướng dẫn là thế, nhưng phía chính quyền các xã có người dân trồng đào đều chưa có biện pháp cụ thể nào mở hướng cho người trồng đào, bởi chưa có chỉ đạo, hướng dẫn từ chính quyền cấp trên. Thực tế, ý kiến chỉ đạo cấm khai thác đào rừng của Thủ tướng Chính phủ là một yêu cầu xác đáng, góp phần bảo vệ đào rừng tự nhiên và hạn chế tình trạng khai thác lâm sản trái phép; và trong đó, không cấm khai thác đào của dân trồng. Tuy nhiên, tại tỉnh Điện Biên hiện nay, việc làm sao phân định rõ ràng đào dân trồng với đào rừng tự nhiên để bà con có thể khai thác đào trồng, đem bán dịp tết thì chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, áp dụng rõ ràng như một số tỉnh khác.

Thời điểm này chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán 2021. Cùng với những lo lắng, băn khoăn của người trồng và buôn bán đào tết, mong rằng các cấp, ngành chức năng cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bà con; giúp bà con có thêm thu nhập từ cây đào để đón tết an vui, đầm ấm.

Phương Liên

Back To Top