Video

Vàng Đán - Trăn trở mùa mận chín

Thứ Hai, 10/05/2021 07:29 Lượt xem: 6968 In bài viết

ĐBP - Những cây mận sai trĩu quả, đang chín đỏ và sắp sửa cho thu hoạch này được trồng tại nương của gia đình anh Mùa A Chu, sinh sống tại bản Ham Xoong , xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ. Trên diện tích hơn 3ha đất nương của gia đình anh Chu, thời điểm này có 300 gốc mận đang đồng loạt ra quả, hứa hẹn sẽ cho một vụ bội thu. Mấy hôm nay, gia đình anh Chu vui mừng, phấn khởi lắm. Anh đã gác lại mọi việc và huy động thêm những người thân, họ hàng tới giúp gia đình thu hoạch mận chín đầu mùa, để kịp thời mang xuống chợ phiên Ham Xoong bày bán vào dịp cuối tuần.

Gia đình anh Chu hiện là hộ trồng mận lâu năm, với số lượng và diện tích nhiều nhất trong xã Vàng Đán. Khác với nhiều bà con trong bản chỉ trồng mận che bóng quanh nhà, mấy năm nay anh Chu đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, từ những cây nông nghiệp cho năng suất thấp sang trồng mận là chủ yếu; với mục đích lâu dài cây mận trở thành cây trồng chính, đem lại thu nhập kinh tế cho gia đình. Vì vậy, ngoài giống mận Tam hoa (Bắc Hà) đã gây giống từ hơn 20 năm trước; mấy năm nay, anh Chu đã trồng thêm hàng chục gốc mận Cơm (hay còn gọi là mận thóc) bằng nguồn giống do UBND huyện Nậm Pồ hỗ trợ cho bà con trong xã Vàng Đán.

Theo đánh giá của anh Chu, năm nay mận được mùa hơn hẳn những năm trước. Dự kiến sản lượng thu hoạch sẽ đạt từ 5 – 7 tấn quả tươi. Nếu bán tại vườn với giá thấp nhất từ 7.000 – 12.000 đồng/kg, thì gia đình anh có thể thu về khoảng 20 triệu đồng. Song, đi kèm với niềm vui mùa mận sai quả là nỗi trăn trở, lo lắng về thị trường đầu ra, tiêu thụ quả mận chín của gia đình anh Chu. Bởi thời điểm này, quả mận chín mỗi lúc một nhiều, nhưng anh Chu vẫn chưa kết nối được với thương lái nào đến thu mua.

Cùng nỗi trăn trở với anh Chu, nhiều hộ dân trồng mận số lượng lớn trong trong xã Vàng Đán cũng đang băn khoăn, lo lắng làm sao bán được số lượng mận đã chín trong vụ này. Nguyên nhân do địa bàn sinh sống của bà con thuộc vùng sâu, vùng xa, địa hình đồi núi cách trở và đường sá đi lại chưa thuận tiện nên đã hạn chế việc giao thương buôn bán, giới thiệu quảng bá sản phẩm của bà con. Thêm vào đó, trước đây cây mận vốn không phải là cây trồng cho thu nhập chính của bà con, nên dù đã trồng trên 20 năm, họ vẫn không chú trọng nghiên cứu, tìm kiếm thị trường đầu ra. Đến mùa mận hàng năm, thương lái thập phương hoặc khách vãng lai biết đến giống mận Tam hoa nổi tiếng được trồng ở nơi này thì tìm đến thu mua tận vườn. Còn lại đa số cây mận không có người mua quả, sẽ chín rụng đầy gốc, bà con tận dụng làm phân bón cho cây trồng khác.

Tại huyện Nậm Pồ, giống mận Tam hoa (Bắc Hà) được trồng chủ yếu ở xã Vàng Đán, với gần 500 hộ dân tham gia trồng, hộ nào trồng ít thì vài gốc, nhiều thì vài chục gốc; tập trung ở các bản: Ham Xoong 1, Ham Xoong 2, Vàng Đán, Huổi Khương và Huổi Dạo.

Việc trồng mận Tam hoa của bà con bắt nguồn từ khoảng 3 thập kỷ trở về trước, khi người Mông di cư từ huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) về tỉnh Điện Biên sinh sống, đã đem theo giống mận Tam hoa truyền thống về trồng quanh nhà, để ghi nhớ về truyền thống, nguồn cội dân tộc. Mặc dù thổ nhưỡng khô cằn, đất đai bạc màu, nhưng từ khi bén rễ, cây mận Tam hoa lại phát triển thuận lợi, cho nhiều mùa bội thu với quả to, chín đỏ thắm, chắc mẩy và ngọt lịm. Từ bán quả mận chín, bà con trong xã trong cũng kiếm thêm thu nhập nho nhỏ, giúp gia đình cải thiện đời sống.

Chính vì vậy, những năm gần đây, chính quyền huyện Nậm Pồ đã tạo điều kiện để bà con trong xã Vàng Đán khai hoang các diện tích đất trống, đồi trọc; đồng thời cung cấp các cây mận giống để bà con trồng tập trung thành vùng chuyên canh, xen kẽ với những cây trồng ngắn ngày khác. Tầm nhìn trong vài năm tới, cây mận trở thành cây hàng hóa có tính chất lâu dài đem lại thu nhập, giá trị kinh tế cao cho bà con.

Theo đó, có một số hộ dân đã mạnh dạn phát triển thành mô hình trang trại trồng mận tập trung trên nương dốc, với số lượng 500 – 3.000 gốc (chủ yếu ở bản Ham Xoong 2). Ngoài mận Tam hoa, bà con còn trồng thêm một số giống mận khác để đa dạng hóa sản phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những vườn mận mới trồng cách đây vài năm cũng đã đơm hoa, kết trái, nhưng bà con xã Vàng Đán và chính quyền sở tại vẫn đang loay hoay, trăn trở chưa có thị trường đầu ra để tiêu thụ.

Cùng với những nương ngô, nương lúa, hiện nay những vườn mận Tam hoa do người dân Vàng Đán trồng trên nương đã phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và hứa hẹn niềm tin thoát nghèo cho bà con nơi đây. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc, chung tay hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc giới thiệu, kết nối, tìm hướng tiêu thụ sản phẩm, thì trong thời gian không xa, cây mận trên vùng đất Vàng Đán sẽ trở thành một trong những cây trồng chính, đem lại giá trị kinh tế lâu dài và giúp bà con xã Vàng Đán từng bước nâng cao đời sống.

Phương Liên

Back To Top