Video

Sớm tháo gỡ vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng

Thứ Bảy, 17/07/2021 11:19 Lượt xem: 12258 In bài viết

ĐBP - Tuyến đường Keo Lôm - Săm Măn - Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông) có chiều dài gần 27km, được thi công theo tiêu chuẩn đường giao thông A, công trình giao thông cấp IV. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện giai đoạn 2 từ bản Huổi Xa, xã Keo Lôm đến xã Phình Giàng, có nhiều đoạn trên tuyến chạy qua rừng, khiến công trình chưa thể “thông tuyến” theo đúng thiết kế.

Con đường là niềm mong mỏi bấy lâu nay của người dân, đặc biệt là dân bản Phá Khẩu và bà con xã Phình Giàng. Bởi vì khi công trình này hoàn thành, quãng đường để người dân các bản trên địa bàn xã Phình Giàng ra trung tâm huyện Điện Biên Đông hay TP. Điện Biên Phủ sẽ gần và đi lại thuận tiện hơn. Sau mấy năm triển khai, dự án lại vướng vào đất rừng, khiến tuyến đường còn nhiều đoạn dang dở. Là người dân bản Phá Khẩu, xã Phình Giàng, anh Vàng A Phía thường xuyên đi qua tuyến đường này để ra trung tâm huyện, nhưng đường qua đất rừng mãi chưa thể chuyển đổi mục đích sử dụng khiến anh Phía và dân bản cảm thấy hụt hẫng. Và cũng như bao người dân khác, anh Phía mong muốn chính quyền địa phương, các cấp, ngành có thẩm quyền nhanh chóng làm thủ tục chuyển đổi đất rừng để con đường tiếp tục được thực hiện và sớm hoàn thành.

Đoạn đường này thuộc giai đoạn 2 của tuyến đường Keo Lôm - Săm Măn - Phình Giàng. Do vướng đất rừng, đường chưa thông nên người dân đành phải đi theo nhánh đường cũ với độ dốc cao và nhiều đoạn cua gấp. Hiện nay, giai đoạn 2 của tuyến đường còn khoảng 3km chạy qua đất rừng chưa thể chuyển đổi mục đích sử dụng nên đã bị dừng thi công. Vì vậy cần phải có quyết định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác thì cơ quan chức năng mới đồng ý để các đơn vị thi công tiếp tục thực hiện hoàn thành các tuyến đường trên.

Đây là tuyến đường bê tông nối từ bản Sa Lông 2 đến bản Sa Lông 3, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) có chiều dài gần 4km, với bề rộng mặt đường 3m nhưng đang bị ngắt đoạn ở giữa tuyến vì vướng vào khoảng 200m đất rừng phòng hộ. Từ đầu đường bê tông này vào bản Sa Lông 3 và đầu bên kia trở ra bản Sa Lông 2 đã được bê tông kiên cố, duy nhất chỉ còn đoạn giữa chưa thông nên bà con phải đi men theo con đường đất vòng vèo, cua dốc. Tuy nhiên, đây chỉ là 1 trong số 3 công trình giao thông trên địa bàn huyện Mường Chà gặp khó khăn do bị vướng vào đất rừng. Ngoài tuyến đường này còn có 2 tuyến đường khác là đường vào bản Huổi Điết - Nậm Piền - Đán Đanh và đường giao thông bản Huổi Sáy - Púng Trạng cùng trên địa bàn xã Mường Tùng, huyện Mường Chà. Do các tuyến đường thi công vướng vào diện tích đất rừng đã được quy hoạch, khiến tiến độ thi công một số dự án đường giao thông trên địa bàn huyện kéo dài. Chính quyền, cơ quan chức năng và người dân thì chỉ biết ngày đêm mong ngóng những đoạn vướng vào đất rừng nhanh chóng được chuyển đổi mục đích sử dụng để con đường tiếp tục được thi công, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, không ít công trình, dự án trên địa bàn tỉnh bị “nghẽn” do gặp vướng mắc trong chuyển đổi đất rừng; điều đó đã gây ra những khó khăn trong quá trình thi công cũng như tiến độ thực hiện các công trình. Trong khi đó theo quy định tại Điều 40, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP thì thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án rất phức tạp, thời gian kéo dài, ảnh hưởng lớn đến tiến độ phê duyệt đầu tư xây dựng dự án. Nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng đình, giãn, hoãn tiến độ. Đồng nghĩa với việc đình trệ đó, không chỉ người dân chậm được thụ hưởng những lợi ích các công trình, dự án đem lại, mà còn gây lãng phí nguồn lực đầu tư, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, rất mong các cấp, ngành Trung ương, địa phương sớm có giải pháp để nhanh chóng triển khai các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích sử dụng khác. Có như vậy mới tháo gỡ được những “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện các công trình, dự án giao thông. Và khi hệ thống đường giao thông nông thôn được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương buôn bán của nhân dân sẽ tạo động lực thúc đẩy nhanh hơn công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.

Phạm Quang

Back To Top