Video

Bảo đảm giao thông thông suốt mùa mưa lũ

Thứ Sáu, 06/08/2021 08:55 Lượt xem: 11516 In bài viết

ĐBP - Bước vào mùa mưa lũ, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các điểm sạt lở đất, đá, bùn lầy xuống mặt đường, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Những tảng đá to và khối lượng lớn đất, đá đã sạt lở xuống, vùi lấp mặt đường đoạn từ đỉnh đèo Tằng Quái xuống bản Thái, xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng). Tuyến đường này có chiều dài hơn 4km, thi công năm 2020 nhưng do thiếu kinh phí nên mới bê tông hóa được hơn 3km và hệ thống rãnh thoát nước cũng chưa được hoàn thiện đã dẫn đến tình trạng sạt lở, vùi lấp mặt đường, rãnh thoát nước sau những trận mưa lớn. Tình trạng này xảy ra đã gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Vào mùa mưa bão, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Mường Ảng thường xảy ra tình trạng sụt sạt bùn đất xuống mặt đường, trượt ta luy nền đường. Để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết ứng phó với các tình huống xảy ra trong mùa mưa lũ.

Đây là một số điểm sụt sạt bùn đất từ ta luy dương xuống tuyến đường vào xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) vừa mới được cơ quan chức năng cùng các đơn vị liên quan thực hiện hót sạt, nạo vét bùn, đất trên mặt đường. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé có trên 120km đường liên xã, trong đó có một số tuyến đường là đường đất thường xảy ra sạt lở. Vì vậy, để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại đối với các tuyến đường, huyện Mường Nhé đã triển khai phương án phòng, chống thiên tai; trong đó, chú trọng bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

Điện Biên hiện có hơn 8.330km đường giao thông các loại; trong đó có 6 tuyến quốc lộ và 8 tuyến tỉnh lộ. Trước mùa mưa năm nay, cơ quan chức năng đã rà soát trên các tuyến quốc lộ có khoảng 30 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Xác định mưa lũ ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường, ngành Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường chủ động kiểm tra, sửa chữa hư hỏng mặt đường, khơi thông cống rãnh; gia cố những vị trí công trình xung yếu, tiềm ẩn mất an toàn. Các đơn vị đã bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị vật tư dự phòng phù hợp, ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống…

Thiên tai, lụt bão là nguyên nhân tác động trực tiếp và ảnh hưởng tới các công trình giao thông cũng như sự an toàn của người dân. Vì vậy, sự chủ động ứng phó của ngành Giao thông vận tải cũng như các địa phương sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và của, khắc phục nhanh sự cố sạt lở, tắc đường khi có mưa bão xảy ra và đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Phạm Quang

Back To Top