Video

Để dự án “cây tỉ đô” tiếp tục triển khai thuận lợi

Thứ Bảy, 07/08/2021 15:52 Lượt xem: 11814 In bài viết

ĐBP - Cây mắc ca hay còn gọi là “cây tỉ đô” được trồng tại bản Huổi Tao A, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, nằm trong diện tích 120ha trồng mắc ca công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn huyện, do Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc làm chủ đầu tư.

Được biết, theo Quyết định số 643/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 của UBND tỉnh Điện Biên về chủ trương đầu tư trồng mắc ca công nghệ cao tại xã Pú Nhi, thì đơn vị chủ đầu tư được phê duyệt quy mô dự án với 1.250ha; trồng tại 2 bản: Huổi Tao A, Huổi Tao B (xã Pú Nhi), theo phương thức thỏa thuận mua đất luân canh của người dân. Tuy nhiên, trong 1 năm qua, chủ đầu tư mới triển khai trồng được120ha (đạt 10% quy mô dự án) và đang gặp khó khăn trong việc triển khai trồng tiếp, do vấp phải quan điểm bất đồng trong thỏa thuận với người dân sở tại.

Theo đại diện lãnh đạo xã Pú Nhi, trong quá trình triển khai trồng mắc ca ở quy mô lớn hơn, nhiều người dân không đồng thuận với phương thức mua đất luân canh nữa, mà mong muốn thỏa thuận theo hình thức cho doanh nghiệp thuê đất, để đảm bảo nguồn thu nhập cũng như giúp người dân giữ được tư liệu sản xuất về lâu dài. Chính điều này đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc triển khai dự án. 

Ngoài vấp phải ý kiến phản đối của người dân, Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc còn gặp khó khăn lớn liên quan đến thủ tục đất đai của vùng dự án. Cụ thể là các diện tích đất nương của bà con được khai thác để trồng cây mắc ca hầu hết chưa được đo đạc, quy chủ, nên chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa thể bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án. 

Trước những khó khăn, vướng mắc, chính quyền và các đơn vị chức năng huyện Điện Biên Đông đã và đang khẩn trương vào cuộc, nhanh chóng tìm giải pháp cụ thể; một mặt tuyên truyền cho người dân sở tại nắm được chủ trương, đồng thuận cho chủ đầu tư triển khai dự án như thỏa thuận ban đầu; đồng thời nhanh chóng cho đơn vị chức năng tiến hành đo đạc, quy chủ diện tích cũng như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để dự án sớm được triển khai trở lại.  

Cũng như tại huyện Điện Biên Đông, việc triển khai dự án trồng mắc ca trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Nậm Pồ và Mường Nhé đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Mặc dù các dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại các huyện này đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2017, với quy mô trên 17.000ha, nhưng đến nay thực tế mới triển khai trồng được trên 15% so với quy mô phê duyệt. Nguyên nhân chính khiến chậm tiến độ là do chủ đầu tư gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai và tiến hành giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; đồng thời người dân một số địa phương chưa đồng thuận với chủ trương của dự án; một số cơ quan, đơn vị cũng chưa đồng thuận, tạo điều kiện cho chủ đầu tư làm các thủ tục của dự án... 

Để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư trong triển khai dự án trồng mắc ca công nghệ cao, cấp ủy, chính quyền các huyện đã nhiều lần tổ chức làm việc với đại điện chủ đầu tư. Qua đó đã trao đổi, tháo gỡ thêm một số vướng mắc giữa chủ đầu tư với chính quyền các xã; đồng thời đề ra biện pháp cụ thể để tuyên truyền cho người dân đồng thuận cũng như giải quyết những khó khăn về quy chủ đất đai. 

Hiện nay, mặc dù tỉnh Điện Biên đã bố trí đủ kinh phí để thực hiện đo đạc, quy chủ những diện tích đất của người dân hoặc diện tích đất nằm trong quy hoạch 3 loại rừng để có phương án phù hợp, đảm bảo phát triển cây mắc ca theo đúng chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư cũng cho biết thêm: Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc cấp phép đầu tư mới đang gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, khiến chủ đầu tư khó lòng hoàn thiện các thủ tục cần thiết để vay vốn ngân hàng.

Trước những khó khăn, nan giải của chủ đầu tư và các huyện, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai các dự án phát triển mắc ca và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tại buổi họp, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị: Các huyện và ngành chức năng liên quan cần nhanh chóng thực hiện đo đạc, quy chủ, giao đất, giao rừng. Từ đó cụ thể hóa các chương trình, hỗ trợ cho người dân địa phương, tạo quỹ đất, điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai dự án. Các sở, ngành tỉnh cần đồng thuận, phối hợp và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chủ đầu tư nhanh chóng hoàn tất các thủ tục nằm trong dự án; mỗi huyện đang được triển khai dự án trồng cây mắc ca cần quan tâm, vào cuộc và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sở tại đồng thuận, hiểu rõ cơ chế, chính sách của dự án..

Với sự quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh; sự đồng thuận, nhất trí của các huyện, hy vọng rằng, những khó khăn trong việc triển khai dự án trồng “cây tỉ đô” tại các huyện trên địa bàn tỉnh sẽ dần được tháo gỡ và tiếp tục triển khai thuận lợi. Trong tương lai gần, những khoảnh đồi núi trọc ngày nào hứa hẹn sẽ trở thành rừng “cây tỉ đô” xanh tốt, đơm hoa kết trái và cho thu hoạch hàng năm. Ngoài mục đích giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, thì dự án “cây tỉ đô” chính là giải pháp phủ xanh rừng, góp phần ổn định dân cư và tạo ra giá trị hàng hóa kinh tế cao cho tỉnh Điện Biên.

Phương Liên

Back To Top