Video

Nhà sàn bê tông, nét đổi thay mang tính tích cực

Thứ Năm, 26/08/2021 18:07 Lượt xem: 13670 In bài viết

ĐBP - Điện Biên - vùng đất hội tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống với những nét riêng về phong tục tập quán, văn hóa. Điều đó đã tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa trên mảnh đất Điện Biên lịch sử. Dân tộc Thái là dân tộc có số dân đông nhất, chiếm trên 38% dân số toàn tỉnh. Đã bao đời nay, ngôi nhà sàn truyền thống là nét văn hóa đặc trưng và bản sắc riêng của đồng bào dân tộc Thái. Ngày nay, sự giao thoa của kiến trúc hiện đại và việc ngày càng khan hiếm nguồn gỗ làm nhà sàn, nhiều người Thái ở Điện Biên đã thiết kế làm nhà sàn bằng bê tông cốt thép. Đây được xem như một xu hướng khá phổ biến vừa để giữ nếp nhà sàn truyền thống, vừa góp phần bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Trải qua năm tháng, dưới tác động của mưa nắng, ngôi nhà sàn cột gỗ của gia đình chị Quàng Thị Thanh Hảo, bản Na Khưa, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên đã bị mối mọt và xuống cấp. Trong bối cảnh gỗ làm nhà ngày càng khan hiếm, gia đình chị Hảo đã chuyển sang làm nhà sàn bằng khung cột bê tông cốt thép. Tuy chuyển đổi về vật liệu xây dựng nhưng ngôi nhà sàn của chị Hảo vẫn theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống để tiện dụng trong cuộc sống sinh hoạt mà vẫn mang nét hiện đại.

Vật liệu làm nhà, cầu thang, lan can, khung cột… thay vì làm bằng gỗ đã được thay thế bởi bê tông, sắt thép, inox. Để giống với những ngôi nhà sàn cột gỗ truyền thống, nhiều gia đình đã sơn cột, tường nhà màu giả vân gỗ. Về cơ bản, cấu trúc của những ngôi nhà sàn bê tông cốt thép hiện nay không có nhiều thay đổi mà được thiết kế, sử dụng vật liệu theo hướng hiện đại hơn nhằm mang lại sự vững chắc, khang trang mà vẫn giữ được phong cách nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái.

Ta Pô là bản thuần đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ. Đó là điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái, nhất là trong cấu trúc nhà sàn. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, khi gỗ trên rừng ngày càng khan hiếm, để giữ nét truyền thống ngôi nhà sàn, nhiều người dân trong bản đã chuyển hướng làm nhà sàn bằng bê tông cốt thép thay thế cho nhà sàn làm bằng gỗ. Đến nay, cả bản có khoảng 20% gia đình làm nhà sàn bằng bê tông cốt thép.   

Bao đời nay, ngôi nhà sàn đã trở thành nét văn hóa, là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân tộc Thái Điện Biên. Nhà sàn cũng là nơi đoàn tụ của nhiều thế hệ con cháu, lưu giữ những phong tục, tập quán văn hóa truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, hiện nay làm ngôi nhà sàn cột gỗ vừa khó nguồn vật liệu vừa không thể bền vững chắc chắn lâu dài như nhà sàn bằng bê tông. Thế nên, để vừa tiết kiệm được chi phí xây dựng, vừa có nhà ở chắc chắn lâu dài thay vì làm nhà sàn cột gỗ, không ít gia đình người Thái đã làm nhà sàn bằng cột bê tông. Việc làm đó đã không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa nhà sàn Thái mà còn ít nhiều góp phần vào công tác bảo vệ rừng.

Tại tỉnh Điện Biên, đồng bào dân tộc Thái đã cư trú hàng chục thế kỷ và có dân số đông nhất trong số 19 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn, chiếm trên 38% dân số. Kiến trúc nhà ở của đồng bào dân tộc Thái đang có nhiều sự biến đổi; trong đó, xu hướng xây dựng nhà sàn bằng bê tông là một trong những biến đổi rõ rệt, mang tính quy luật của cuộc sống mới. Nhưng cũng không thể phủ nhận, việc sử dụng vật liệu bê tông, cốt thép thay thế gỗ tự nhiên ít nhiều nhiều ảnh hưởng đến việc lưu giữ các giá trị văn hóa từ ngôi nhà sàn truyền thống. Trước thực tế đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những giải pháp, định hướng rõ ràng để vẫn có những thay đổi tích cực, song vẫn giữ được những giá trị cốt lõi trong văn hóa truyền thống của người Thái.

Cuộc sống luôn thay đổi theo hướng hiện đại, tiện nghi, nhưng nếp nhà sàn truyền thống vẫn gắn bó với đồng bào dân tộc Thái. Những ngôi nhà sàn bê tông cốt thép khang trang đang dần thay thế nhà sàn gỗ tự nhiên. Dù ít nhiều có sự thay đổi trong cấu trúc, vật liệu xây dựng nhưng về cơ bản với kỹ thuật cao và trình độ mỹ thuật, trang trí bắt mắt, những ngôi nhà sàn bê tông vẫn lưu giữ được vóc dáng, nét đặc trưng của nếp nhà sàn truyền thống. Ngoài ra, việc sử dụng bê tông cốt thép để dựng nhà sàn còn giúp người dân có chỗ ở kiên cố, lâu dài và còn góp phần hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác gỗ làm nhà trên địa bàn toàn tỉnh.

Phạm Quang

Back To Top