Video

Pú Nhung - niềm vui ngô được mùa, được giá

Thứ Tư, 15/09/2021 22:59 Lượt xem: 15548 In bài viết

ĐBP - Nương ngô của gia đình chị Sùng Thị Khua, sinh sống tại bản Khó Bua, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo là một trong số những diện tích ngô vụ xuân hè đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch ở xã Pú Nhung.

Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, gia đình chị Khua huy động thêm người thân trong bản, cùng nhau lên nương thu hoạch từng bắp ngô lai đang chín vàng óng. Do diện tích 3ha nương ngô đã chín đồng loạt nên gia đình chị Khua sẽ phải thu hoạch liên tục trong 4 ngày mới xong. Nắng nóng, vất vả là thế, nhưng ai nấy đều phấn khởi, vui tươi, bởi vụ ngô năm nay được mùa. Bắp nào cũng đều răm rắp, hạt to, chắc mẩy. Điều phấn khởi hơn là thương lái đã đặt mua toàn bộ nương ngô của gia đình chị Khua, nên ngay sau khi thu hoạch, chị Khua và người thân đã vận chuyển ngô ra đầu bản cho thương lái vào chuyên chở. Theo tính toán của chị Khua, nương ngô nhà chị sẽ thu hoạch được từ 5 - 6 tấn ngô bắp, với giá bán từ 3,5 – 3,7 nghìn đồng/kg, sau vụ ngô xuân hè năm nay, gia đình chị Khua có thể thu lãi trên 20 triệu đồng. 

Thời điểm này, tại xã Pú Nhung, đâu đâu cũng là không khí rộn ràng thu hoạch ngô của bà con. Với hơn 700ha diện tích trồng ngô thì người dân xã Pú Nhung phải thu hoạch kéo dài từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10 mới xong. 

Được biết, những năm trước đây, bà con xã Pú Nhung đã có thói quen trồng ngô trên nương, xen kẽ với những cây trồng khác. Tuy nhiên, khi đó các cây ngô giống cũ chưa cho năng suất, chất lượng cao nên chưa đem lại giá trị kinh tế lâu dài. Trong 5 năm trở lại đây, khi bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt; đồng thời đưa các loại ngô lai giống mới vào trồng thử nghiệm với diện tích lớn, thì đã cho thấy hiệu quả cao về năng suất và sản lượng ngô khi thu hoạch. Mặt khác, thương lái các nơi đã biết đến chất lượng ngô bắp được trồng tại xã Pú Nhung và tìm tới thu mua với số lượng lớn và trả giá cao. Từ bán ngô bắp cho thương lái đều đặn mỗi vụ, nhiều hộ nông dân trong xã Pú Nhung đã thu lãi vài chục triệu đồng, giúp đời sống kinh tế gia đình dần được cải thiện và nâng cao hơn.

Cùng với lúa nương, sắn và mía, cây ngô hiện là cây trồng chủ lực của người dân xã Pú Nhung. Mỗi năm 2 vụ, cây ngô được bà con trồng thành vùng, phủ kín các cánh đồng, mảnh nương, thậm chí còn thay thế cho một giống cây nông nghiệp khác kém hiệu quả hoặc không có thị trường đầu ra. Theo thống kê của chính quyền xã Pú Nhung, trong 5 năm trở lại đây, có hàng chục hộ nông dân trong xã đã thoát nghèo nhờ việc trồng và bán ngô lai. May mắn là các giống ngô lai khi đem về trồng đều thích hợp với thổ nhưỡng khô cằn và khí hậu nắng gió tại xã Pú Nhung; đồng thời, bà con nông dân trong xã cũng chuyên tâm, nỗ lực gieo trồng, chăm sóc và bón phân đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật mới, nên mỗi vụ thu hoạch ngô đều đạt chất lượng tốt, sản lượng cao. 

Vụ xuân hè năm nay, nhiều thương lái thập phương biết đến chất lượng ngô lai Pú Nhung đã đến tận nương thu mua cho bà con. Đã thế, giá ngô bắp bán tại nương còn được giá hơn hẳn mọi năm, ngoài giá bán trung bình (3,5 – 3,7 nghìn đồng/kg) thì các diện tích ngô bắp chất lượng tốt hơn có thể bán được 4 nghìn đồng/kg. Cùng với niềm vui được mùa, được giá, vụ này bà con xã Pú Nhung còn phấn khởi hơn khi mới vào đầu vụ thu hoạch ngô, nhưng thương lái đã đặt mua gần hết những diện tích ngô của bà con trong xã. Đối với chính quyền xã, đây cũng là dấu hiệu khả quan về thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của nông dân và mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho bà con trong xã. 

Về lâu dài, để thị trường đầu ra cho bắp ngô lai được ổn định, chính quyền xã Pú Nhung đã tính tới phương án hợp đồng năm với thương lái chuyên thu mua ngô lai theo thời vụ; đồng thời cũng tính tới việc tăng thêm các diện tích chuyên canh cây ngô lai cho bà con trong xã, bằng cách khai hoang thêm đất trống đồi trọc, xin hỗ trợ kinh phí mua giống ngô, phân bón từ chính quyền cấp trên… Hy vọng rằng, trong tương lai gần, cây ngô lai trên mảnh đất Pú Nhung không đơn thuần là cây nông nghiệp giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân, mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao.

Phương Liên

Back To Top