Video

Những người “đưa đò” thầm lặng

Thứ Sáu, 19/11/2021 21:38 Lượt xem: 13569 In bài viết

ĐBP - Để mang con chữ đến với học trò vùng cao, những thầy, cô giáo “cắm bản” phải vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả. Được ví như những người “đưa đò” thầm lặng, các giáo viên vùng cao luôn bám bản, bám trường; bằng niềm tin và trách nhiệm, các thầy, cô đã cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, đưa “con đò tri thức” đến với học sinh vùng sâu, vùng xa; từ đó từng bước thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục miền núi và miền xuôi.

Gần 10 năm đã trôi qua nhưng vết sẹo dài trên khuôn mặt cô giáo Lò Thị Hải (sinh năm 1989), Trường Mầm non Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) vẫn chưa thể mờ đi. Câu chuyện về vết sẹo này là ký ức không thể nào quên trong cuộc đời giáo viên cắm bản của cô giáo Hải. Sau khi tốt nghiệp Trường  Cao đẳng Sư phạm Sơn La, năm 2012 cô giáo Hải rời quê hương huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) sang làm giáo viên tại Trường Mầm non xã Tìa Dình. Bắt đầu bén duyên với nghề, say nghề và tình yêu với con trẻ, khi đó cô giáo Hải đã xung phong lên điểm bản Na Xu, cách trung tâm xã Tìa Dình gần 20km. Do đường sá đi lại khó khăn, nên khi trên đường đến điểm trường dạy học, cô Hải đã không may bị tai nạn.

Bị tai nạn và để lại thương tật, nhưng cô giáo Hải vẫn miệt mài với học sinh nơi vùng cao. Cô đã “cắm” ở tất cả các điểm trường bản trên địa bàn xã Tìa Dình. Suốt gần 10 năm công tác trong ngành Giáo dục thì cũng từng ấy năm cô Hải giảng dạy ở các điểm bản và đến nay là điểm bản Tào La. Ở đây cũng giống như nhiều điểm bản khác, không điện, giao thông cách trở, không sóng điện thoại. Đêm xuống, cô Hải cùng với 2 cô giáo khác lại miệt mài bên trang giáo án và tỉ mỉ làm đồ chơi cho các em. Đó cũng là niềm vui của các cô ở điểm bản này. Gian nan, vất vả nhưng các cô đã vượt qua nỗi nhớ gia đình, cùng động viên nhau dạy tốt, tất cả vì các em học sinh nơi đây.

Gian bếp nhỏ này đã trở thành nơi thầy và trò tại Điểm trường Tiểu học Ma Lù Thàng 2 (Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng) vừa nấu cơm, vừa động viên nhau sau mỗi giờ lên lớp. Thầy giáo Lò Văn Chinh được Ban Giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng phân công cắm bản tại đây. Chỉ có thầy và hơn 10 trò nhỏ trong lớp ghép 1 và 2, nhưng lúc nào cũng rất vui vẻ, nhộn nhịp. Điểm bản này được sự hỗ trợ của Dự án Nuôi em nên các học sinh được hỗ trợ ăn trưa tại lớp thay vì phải về nhà. Vì vậy, là một giáo viên nhưng thầy Chinh không ngần ngại việc bếp núc, nấu ăn cho các em học sinh của mình. Tranh thủ những lúc học sinh làm bài tập, thầy Chinh lại chuẩn bị nồi cơm, nấu thức ăn cho các em.

Hiện nay, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng có 1 điểm trung tâm, 5 điểm trường bản. Cũng giống như bao điểm trường miền núi khác, để đến bản, các thầy cô phải vất vả vượt qua những cung đường trơn trượt. Nhiều nơi điều kiện học tập thiếu thốn, không điện, không nước, không sóng điện thoại… nhưng không vì thế mà khiến các thầy, cô chùn bước. Tấm lòng nhiệt huyết của các giáo viên đã tạo dựng được uy tín, lòng tin của phụ huynh, đồng nghiệp, cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương. 

Điện Biên là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên đội ngũ giáo viên cắm bản là những người gian nan nhất. Ngoài cô giáo Hải, thầy giáo Chinh còn rất nhiều thầy, cô giáo “cắm bản” trên địa bàn toàn tỉnh. Dù mỗi thầy, cô có một nỗi khó khăn, vất vả khác nhau, nhưng họ đều có chung một tấm lòng yêu nghề, mến trẻ và hết lòng với sự nghiệp giáo dục nơi vùng cao. Với những giáo viên ở bản xa, thời gian chăm học sinh nhiều hơn chăm con cái của mình, vì lẽ đó mà những đứa trẻ vùng cao cũng được thầy, cô ở điểm bản chăm chút như con. Xa gia đình, xa người thân và trách nhiệm với gia đình chưa thể vẹn toàn, nhưng vì những đứa trẻ ở khắp các bản làng vùng cao còn đang “khát chữ”, các thầy, cô giáo đã phải hy sinh hạnh phúc cá nhân vì các em – thế hệ tương lai của đất nước. Sự cống hiến của các thầy cô nơi vùng sâu, vùng xa đã chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ, sự hy sinh thầm lặng đó xứng đáng được tôn vinh là những người “đưa đò” thầm lặng, giúp sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển.

Phạm Quang

Back To Top