ĐBP - Ngày 25/4/2023, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Ðề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Ðiện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ðây là lần đầu tiên Trung ương MTTQ Việt Nam có đề án riêng thực hiện trên địa bàn một tỉnh. Với Ðiện Biên đây là chương trình làm nhà Ðại đoàn kết lớn nhất, với thời gian nhanh nhất từ trước đến nay. Mang theo “tinh thần Ðiện Biên Phủ”, cả hệ thống chính trị của tỉnh đầy khí thế bước vào chiến dịch “thần tốc”. Dựng xây những “mái nhà hạnh phúc”, tiếp thêm động lực giúp đồng bào nghèo an cư.
Bài 1: Nghĩa tình cả nước - Ấm lòng đồng bào nghèo Ðiện Biên
Gần 70 năm trước, nhân dân cả nước đồng lòng, dốc sức cho Ðiện Biên Phủ để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Không còn hình ảnh những dòng xe thô sơ mang theo “sức người, sức của” tiếp tế cho tiền tuyến của quá khứ, hôm nay cả nước hướng về Ðiện Biên bằng món quà đầy ý nghĩa từ chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc”.
Hành trình an cư
Sinh ra đúng ngày Ðiện Biên Phủ giải phóng (7/5/1954), nên cuộc đời già Cứ Chừ Tú, người uy tín bản Tìa Ló, xã Noong U (huyện Ðiện Biên Ðông) gắn liền với tiến trình tái thiết, xây dựng và phát triển của vùng đất này. Hôm nay, trong căn nhà sàn kiên cố đẹp nhất bản, ông Tú phấn khởi khi nhìn quê hương mỗi ngày đổi mới, mà trong đó có đóng góp không nhỏ của mình. Từng là cán bộ đầu tiên của bản, rồi Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND, Bí thư Ðảng ủy xã… nên ông Tú “thấm” hơn ai hết sự đổi thay này.
Lật lại những trang ký ức đầu tiên của cuộc đời, ông Tú kể: “Ngày tôi đã biết chạy nhảy, biết ghi nhận cuộc sống thì Ðiện Biên cũng đã hoàn thành giai đoạn thu dọn tàn dư chiến tranh. Nghe bố tôi kể, thì lúc ấy khắp nơi hoang tàn, đổ nát, đồng ruộng bị cày xới, nhân dân ly tán nhiều nơi… Ðâu đâu cũng ngổn ngang vũ khí, bom đạn còn sót lại. Phải mất tới 2 năm, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị thì bà con các vùng mới bắt đầu có nhà tạm, ổn định cuộc sống”.
Những năm sau đó, các phong trào thi đua về lao động sản xuất, học tập, xóa đói giảm nghèo… được phát động sôi nổi khắp các địa phương. Mang “tinh thần Ðiện Biên Phủ” vào công cuộc xây dựng quê hương, Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh để nâng cao tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân để làm nên một Ðiện Biên vững vàng nơi biên cương Tổ quốc.
Người xưa có câu “an cư mới lạc nghiệp”. Tinh thần đó được Ðiện Biên đặt lên hàng đầu trong tiến trình xây dựng và phát triển. Ðiều này được thể hiện rõ nét thông qua hàng loạt chương trình, dự án, phong trào về hỗ trợ làm nhà, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào nghèo được phát động, triển khai rộng khắp các ngành, địa phương trong tỉnh. Với tiềm lực hạn chế, ngoài sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, các cấp, các ngành, những năm gần đây Ðiện Biên đã phát huy tốt nguồn lực từ các chương trình xã hội hóa cho hoạt động này. Ðặc biệt, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã tích cực vận động các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ làm hơn 5.200 ngôi nhà mới cho gia đình chính sách, hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 245 tỷ đồng. Ngày 28/10/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1978/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh Ðiện Biên, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Những ngôi nhà vững chãi mọc lên khắp các bản làng từ thấp đến cao, giúp đồng bào yên tâm, gắn bó, tạo nên “vành đai” vững chắc bảo vệ biên cương.
Thế nhưng, nỗ lực như “muối bỏ bể”, chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu thực tế, bởi những rào cản mang tính đặc thù của một tỉnh thuộc top nghèo của cả nước. Thống kê hiện nay, Ðiện Biên còn khoảng hơn 13.300 hộ, thuộc 168 thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các vùng trọng yếu về an ninh quốc phòng nhưng chưa được sử dụng điện lưới; gần 7.450 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng có nhu cầu hỗ trợ làm mới và sửa chữa. Những mong mỏi, khát khao đó càng trở nên cấp thiết hơn khi Ðiện Biên sắp tròn 70 năm sau giải phóng. Ðể hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho đồng bào, phấn đấu đến dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ sẽ cơ bản xóa nhà tạm, dột nát cho đồng bào nghèo, Ðiện Biên đã xây dựng chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Song chỉ quyết tâm thôi thì chưa đủ, Ðiện Biên vẫn cần thêm những vòng tay kết nối thiết thực hơn nữa...
Cả nước hướng về Ðiện Biên
Dựa trên những mong mỏi thực tế, ngày 25/4/2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Ðề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Ðiện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Theo đó, MTTQ sẽ tập trung vận động các nguồn lực của xã hội trong thời gian 1 năm (từ 7/5/2023 đến 7/5/2024) để hỗ trợ làm mới 7.000 - 8.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Ðiện Biên và địa bàn Tây Bắc (trong đó, hỗ trợ tỉnh Ðiện Biên làm 5.000 căn, số còn lại hỗ trợ các địa phương khác thuộc vùng Tây Bắc). Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/1 căn nhà, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 350 - 400 tỷ đồng.
Với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”, Lễ phát động ủng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Ðiện Biên do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì đã diễn ra vào sáng ngày 13/5. Phát biểu tại đây, ông Ðỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh trong lời kêu gọi: “Cả nước chung tay góp sức, người có của góp của, người có công góp công; có nhiều góp nhiều, có ít góp ít hỗ trợ đồng bào các dân tộc tỉnh Ðiện Biên và vùng Tây Bắc vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, yên tâm gắn bó “máu - thịt” với vùng đất biên cương của Tổ quốc”.
Với ý nghĩa đầy tính nhân văn của chương trình, từ các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, đến mỗi cá nhân trong cả nước đã hào hứng “góp sức” cho Ðiện Biên, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho chương trình. Ngay tại Lễ phát động, đã có hơn 280 tỷ đồng, tương đương với 5.600 căn Nhà Ðại đoàn kết được các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức, cá nhân ở Trung ương và địa phương ủng hộ, đăng ký ủng hộ. Trong số đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã đăng ký 2,5 tỷ đồng (tương đương với 50 ngôi nhà). Ngay sau Lễ phát động, Trung ương Hội đã ra lời kêu gọi tới các cấp Hội và hội viên phụ nữ cùng nhau bớt lại một phần chi tiêu, dành dụm phần lương nhỏ để “góp gió thành bão”, với mục tiêu đặt ra là huy động được 70 căn nhà. Ngoài sức mong đợi, chỉ trong gần 1 tháng, Hội LHPN Việt Nam đã vận động ủng hộ được 87 căn.
Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: Cho đến nay, Ðiện Biên vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, đặc biệt về nhà ở. Ðiều này đặt ra cho các cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân ý thức trách nhiệm, cần có hành động cụ thể, thiết thực để hỗ trợ tỉnh Ðiện Biên bằng tinh thần “Cả nước vì Ðiện Biên như Ðiện Biên đã chiến đấu vì cả nước năm xưa”.
Tiếp nhận nghĩa tình của cả nước, đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Ðiện Biên khẳng định: “Ðiện Biên quyết tâm sẽ tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai kịp thời, hiệu quả chương trình. Ngoài số tiền 50 triệu đồng/căn nhà mà Trung ương hỗ trợ, địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực ủng hộ thêm, để hộ nghèo có nhà ở đảm bảo chất lượng”. Ði cùng với đó là quyết tâm phấn đấu đến ngày 3/2/2024 sẽ hoàn thành xây dựng toàn bộ nhà Ðại đoàn kết cho hộ nghèo. Thời gian ngắn, số lượng cũng như khối lượng công việc phải làm lớn, trong khi đa phần địa bàn triển khai đều có những khó khăn đặc thù là những thách thức không hề nhỏ. Ðiện Biên sẽ làm gì với chiến dịch “thần tốc” lần này?
Bài 2: Ðiện Biên đồng lòng