ĐBP - Sáng 6/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Tham gia phát biểu ý kiến, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trình Quốc hội về chủ trương đầu tư các dự án. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, cần thiết phải đầu tư các dự án đường cao tốc vì thực tế thời gian qua cho thấy một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của quốc gia chính là vấn đề liên quan đến kết nối hạ tầng. Kết nối giao thông rất quan trọng, nếu như các địa phương có được kết nối giao thông tốt thì chắc chắn kinh tế - xã hội sẽ phát triển. Ví dụ như tỉnh Điện Biên, chỉ mở thêm đường bay bằng máy bay thế hệ mới, từ Điện Biên - Hà Nội và Điện Biên - Sài Gòn đã có sự thay đổi rất nhanh chóng và đột biến. Thống kê trong tháng 4/2022, lượng khách du lịch lên Điện Biên tăng tới 400% so với 5 năm trước.
Về hiệu quả đầu tư các dự án, Thượng tọa Thích Đức Thiện, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phân tích: “Chúng ta đầu tư các con đường không chỉ tính đến việc lưu lượng hàng hóa giao thông mà chúng ta phải tính đến việc phát triển vùng, làm sao phát huy được giá trị văn hóa của các vùng nơi những con đường đi qua; phát huy được giá trị của các di tích để chúng ta thúc đẩy phát triển du lịch… Lưu lượng nhiều hay không cũng phụ thuộc vào việc chúng ta tính đến yếu tố này trong con đường để tạo điều kiện và tạo sinh kế. Những vùng chúng ta đi qua là những vùng có thể nói rằng lao động có chất lượng không cao, không được đào tạo nghề, họ là đồng bào các dân tộc, nhưng nếu như cung đường đi qua phát huy du lịch thì đời sống của họ sẽ được tốt lên, sinh kế của họ sẽ được mở mang ra. Đấy cũng là hiệu quả mà chúng ta tính đến”.
Về việc triển khai, thực hiện các dự án, đại biểu Nguyễn Văn Thắng lưu ý: “Khi triển khai các đoạn đường cao tốc nói chung và ở đây cụ thể là 3 đoạn của khu vực Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, thường sẽ liên quan đến một số dự án BOT trước đây. Các dự án BOT này đều trong phương án tài chính để vay vốn ngân hàng. Bao giờ cũng có tính toán về lưu lượng gắn với thời gian để thu hồi vốn. Khi chúng ta triển khai những dự án này đương nhiên sẽ bị chia lưu lượng, ảnh hưởng đến phương án tài chính của các dự án kia. Trong trường hợp này, nếu như không có phương án nào khác về tài chính thì doanh nghiệp sẽ phải phối hợp làm việc với ngân hàng để giãn thời gian”. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ và ngành Ngân hàng có phương án giãn nợ nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Về cơ chế bố trí nguồn vốn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, việc kết hợp giữa các nguồn vốn của Trung ương và địa phương là rất phù hợp, mặc dù pháp luật hiện hành chưa cho phép, nhưng Chính phủ cũng như Ủy ban Kinh tế đã giải trình rất rõ về cơ chế đặc thù này. Đường quốc lộ, cao tốc là của Trung ương nhưng đi về các địa phương thì chủ yếu các địa phương hưởng lợi. Cho nên, cũng cần phải có sự chia sẻ với Chính phủ trong bối cảnh thực sự nguồn lực của chúng ta đang rất có hạn. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tính toán đến phương án thu phí sau này để cả Trung ương và địa phương đều được hưởng.
Đối với các dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Tráng A Tủa bày tỏ băn khoăn về suất đầu tư của các dự án này, đối với thành phố Hà Nội là khoảng 760,15 tỷ/km, thành phố Hồ Chí Minh là 987,4 tỷ/km trong đó chi phí giải phóng mặt bằng rất cao. Theo dự toán sơ bộ về kinh phí giải phóng đền bù mặt bằng, ở thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất chiếm dụng không lớn lắm, khoảng 642ha. Trong khi đó thành phố Hà Nội tổng diện tích đất hơn 1.300ha. Nhưng dự toán đền bù của thành phố Hồ Chí Minh lại rất cao, trung bình gấp 4,4 lần Hà Nội. Đại biểu đề nghị cần phải giải trình, làm rõ thêm nội dung này.