ĐBP - Điện Biên Đông là huyện vùng cao, địa hình phức tạp, có nhiều thôn, bản, nhóm dân cư sinh sống rải rác nên việc kéo điện lưới quốc gia về các bản vùng cao, vùng sâu gặp rất nhiều khó khăn. Trung tuần tháng 11/2023, UBND huyện đóng điện công trình tại 2 bản Tồng Sớ và Ao Cá (xã Pú Hồng) trong niềm vui mừng khôn tả cho bà con khi được sử dụng điện lưới quốc gia.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Công trình hệ thống điện sinh hoạt 2 bản: Tồng Sớ và Ao Cá có tổng mức đầu tư 5,2 tỷ đồng, cấp điện cho 36 hộ dân bản Tồng Sớ và 45 hộ dân bản Ao Cá. Công trình khởi công từ đầu tháng 4/2023 gồm các hạng mục: 1 trạm biến áp tại bản Tồng Sớ với 3,8km đường dây trung thế và 0,7km đường dây hạ thế; 1 trạm biến áp tại bản Ao Cá với 1,4km đường dây hạ thế.
Hai bản Tồng Sớ và Ao Cá là các bản xa nhất của xã Pú Hồng - một trong những xã khó khăn nhất huyện Điện Biên Đông. Do đó, việc triển khai thực hiện công trình điện về 2 bản trên gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông cho biết: Công trình khó khăn ngay từ bước tư vấn, khảo sát thiết kế. Các đơn vị liên quan phải đi thực tế, khảo sát rất nhiều lần mới cho ra được phương án tối ưu vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư vừa tiết kiệm nguồn vốn. Do 2 bản đều nằm sâu trong rừng, phương án thiết kế phải tránh các diện tích rừng; đường dây phần lớn phải đi men theo đường giao thông và đi qua các diện tích nương của người dân. Do đó, các đơn vị phải lập ra nhiều phương án để lựa chọn phương án phù hợp nhất.
Chính vì hệ thống cột điện và đường dây phải đi qua các diện tích nương sản xuất của nhiều hộ dân dẫn đến khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng dự án. Thời điểm đầu triển khai công trình, nhiều hộ dân không đồng thuận hiến đất, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi đó các dự án đưa điện về vùng cao không có kinh phí giải phóng mặt bằng, tất cả công trình đều thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Pú Hồng tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động để người dân 2 bản hiểu rõ chủ trương, chính sách nhà nước, lợi ích của việc đưa điện điện lưới quốc gia về thôn, bản. Những buổi tuyên truyền đầu tiên không mang lại kết quả như mong đợi. Các buổi họp dân tiếp theo, xã Pú Hồng đã huy động các già làng, người có uy tín trong bản, đồng thời phát huy tinh thần tiên phong của các đảng viên trong việc hiến đất làm công trình điện. Dần dần, các hộ dân đều noi theo và đồng thuận hiến đất. Nhiều hộ có điều kiện quá khó khăn, các đơn vị đã đến tận nhà vận động, nhà thầu hỗ trợ mở đường vào khu sản xuất, san gạt nền nhà… Nhờ đó 100% các hộ dân vùng dự án đã hiến đất, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu.
Do địa hình các bản phức tạp, hệ thống giao thông chưa đầu tư đồng bộ, vị trí chôn cột điện có độ dốc lớn đã gây nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển vật liệu, cột điện vào thi công.
Ông Nguyễn Đình Học, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Trung Điện Biên – nhà thầu thi công, cho biết: Điều kiện thi công khó khăn song với sự nỗ lực, cố gắng của công ty, sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân 2 bản, các hạng mục công trình đã được triển khai thuận lợi. Do đó, tiến độ công trình được đẩy nhanh, hoàn thành vượt kế hoạch hợp đồng với chủ đầu tư 8 tháng.
Niềm vui ngày có điện
7 giờ sáng, sương mù theo làn gió lạnh bay qua đỉnh núi, 36 hộ dân bản Tồng Sớ đã tập trung tại khu vực trạm biến áp đặt tại bản để chờ các đơn vị vào đóng điện. Khi cán bộ điện lực đóng điện thành công, dân bản Tồng Sớ vỗ tay reo hò, niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt.
Anh Thào A Tà, Trưởng bản Tồng Sớ cho biết: Bản có 36 hộ dân thì 31 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Cuộc sống người dân rất khó khăn, thiếu thốn. Không có điện là rào cản lớn nhất trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Có điện lưới quốc gia thắp sáng các cháu học sinh chấm dứt cảnh học dưới ánh đèn pin, đèn dầu. Có điện sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho người dân nâng cao đời sống.
Cầm trên tay túi đựng: Bảng điện, bóng điện và gần 10m dây điện đi tham dự buổi lễ đóng điện, chị Hờ Thị Cứ, bản Tồng Sớ cho biết: Biết tin hôm nay các cơ quan vào bản đóng điện, từ sáng sớm tôi đã xuống trung tâm xã mua các thứ này để nhờ cán bộ điện lực đến nhà lắp giúp. Có điện tôi mừng lắm!
Còn anh Thào A Pó, bản Tồng Sớ phấn khởi nói: “Ngày mai tôi sẽ đi đăng kí điện 3 pha để làm dịch vụ xay xát. Trước đây, tôi làm dịch vụ này song động cơ chạy bằng dầu diezen vừa tốn kém vừa hiệu quả thấp. Tôi vừa được cán bộ điện lực huyện tư vấn, nếu đăng kí ngay thì trước Tết Nguyên đán tôi sẽ được lắp đặt và sử dụng dòng điện 3 pha để làm dịch vụ xay xát phục vụ gia đình và bà con trong bản”.
Điểm trường Mầm non Tồng Sớ có 2 cô giáo và 29 trẻ. Cơ sở vật chất đã được đầu tư khá khang trang, phòng học xây dựng kiên cố, được trang bị đầy đủ quạt trần và hệ thống bóng điện nhưng nhiều năm qua, cô và trò ở đây chưa có cơ hội sử dụng vì chưa có điện.
Cô giáo Lò Thị Thu, giáo viên Điểm trường Mầm non Tồng Sớ cho biết: Quá nhiều khó khăn khi không có điện. Đối với học sinh, giờ ngủ trưa nắng nóng không có quạt. Còn mùa đông trời thường âm u, trong lớp rất tối. Với giáo viên, sau 1 ngày dạy học lại phải đi xe máy về điểm trường trung tâm cách 5km để soạn giáo án. Hôm nay, bản Tồng Sớ được đóng điện, chúng tôi thật sự vui mừng. Có điện lưới sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại điểm trường Tồng Sớ.
Được biết, năm 2023 huyện Điện Biên Đông triển khai thực hiện các công trình cấp điện sinh hoạt cho 8 bản vùng sâu, vùng xa; trong đó công trình tại 2 bản Tồng Sớ và Ao Cá là công trình đầu tiên hoàn thành. Dự kiến, các công trình còn lại sẽ hoàn thành và đóng điện trước Tết Nguyên đán năm 2024. Có điện, cuộc sống bà con vùng cao Điện Biên Đông bước sang một trang mới, tạo điều kiện để người dân xóa đói giảm nghèo.