ĐBP - Gần đây, các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi) trên địa bàn huyện Điện Biên, Mường Chà… hoạt động “chui”, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường các dòng sông, suối cũng như cuộc sống người dân quanh khu vực mỏ. Điều đáng nói, các doanh nghiệp này đã hoạt động từ nhiều năm nay, khai thác quy mô lớn, nhưng chính quyền địa phương lại “không biết”, hoặc đã vài lần kiểm tra nhưng “không phát hiện hoạt động khai thác cát sỏi”...
Nghe lãnh đạo địa phương, các đơn vị liên quan trả lời báo chí, chúng tôi có cảm giác họ đang phớt lờ và thách thức dư luận. Với cách nói của họ thì rõ ràng ở đây đang có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Vì rằng, một doanh nghiệp khai thác với quy mô công nghiệp, xe máy vào ra liên tục, đường giao thông bị băm nát bởi xe trọng tải lớn… vậy mà những người có liên quan về quản lý tài nguyên khoáng sản tại địa phương lại trả lời ráo hoảnh là không biết?.
Không chỉ người dân bức xúc mà các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng không sống nổi với kiểu hoạt động thiếu minh bạch này. Đại diện một doanh nghiệp đã nhiều lần phản ánh rằng, họ đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xin cấp phép mỏ, lắp đặt dây chuyền khai thác đá các loại, nghiền cát xây dựng… nhưng đầu ra ngày càng khó khăn. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư lớn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước, nên giá bán sản phẩm thường cao hơn. Trong khi doanh nghiệp hoạt động “chui”, họ “trốn” được nhiều khoản thuế, phí, bến bãi… nên “bán phá giá”. Giá vật liệu của doanh nghiệp hoạt động chui thấp, nên đầu ra dễ dàng hơn; khai thác đến đâu bán hết đến đó.
Doanh nghiệp làm ăn chân chính theo chủ trương thu hút, mời gọi đầu tư của tỉnh thì ngày càng khó khăn, trong khi doanh nghiệp hoạt động “chui” lại đang sống rất khoẻ. Nếu tỉnh không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm thì doanh nghiệp chân chính chỉ còn cách đóng cửa mỏ, giải thể doanh nghiệp, gán nhà cho ngân hàng, do đã thế chấp tài sản vay nợ.
Trao đổi với nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, họ cho rằng, việc quản lý trữ lượng, giá bán khoáng sản, vật liệu xây dựng không khó. Vấn đề là cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có vào cuộc quyết liệt, thực tâm hay không mà thôi.
Có doanh nghiệp cho rằng, nếu cơ quan chức năng “không làm ngơ” thì việc khai thác khoáng sản “lậu” làm gì có cửa “sống”. Theo vị giám đốc doanh nghiệp này, họ đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng, cung cấp cả bằng chứng việc khai thác khoáng sản “lậu”, nhưng khi cơ quan chức năng vào thanh, kiểm tra thì sự việc “to thành nhỏ, nhỏ thành không có gì”.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, hiện công suất được cấp phép khai thác cát xây dựng chỉ bằng 10% nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trữ lượng khai thác cát tại các mỏ hàng năm được thể hiện trên hoá đơn giá trị gia tăng chỉ bằng con số lẻ với trữ lượng cát cung cấp cho các dự án.
Do vậy, các sở, ngành liên quan cần thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát của các mỏ trên địa bàn tỉnh. Rà soát, kiểm tra một số dự án lớn sử dụng nhiều vật liệu. Cách làm đơn giản nhất đó là lấy số liệu đầu vào với chứng minh nguồn gốc vật liệu đem so sánh với khối lượng cũng như chứng từ đầu ra từ các mỏ nơi cung ứng sẽ ra con số thực. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu xây dựng đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Mặt khác, cần đánh giá lại việc thực hiện quy hoạch thăm dò khai thác cát nhằm đề xuất, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trên cơ sở đảm bảo phù hợp, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên cát sỏi.
Nếu đơn vị, sở, ngành nào không chấp hành hoặc có hành vi “bảo kê”, “ngó lơ” để việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng “hoạt động chui”, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước, gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp làm ăn chân chính và gây mất lòng tin trong nhân dân thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và các quy định của Đảng, Nhà nước.