Nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng cao, nhất là dịp từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Thực tế, các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do làm đẹp ở những cơ sở thẩm mỹ không an toàn và từ dịch vụ làm đẹp trái phép.
Kiểm tra da cho bệnh nhân tại Bệnh viện Da liễu trung ương. Ảnh: Lộc Xuân
Sốc phản vệ khi vừa rời cơ sở làm đẹp
Muốn có diện mạo hoàn hảo hơn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới nên chị H.T.K (Hà Nội) đã quyết định đầu tư cả chục triệu đồng để tiêm tế bào gốc tự thân. Công nghệ này được cơ sở làm đẹp khẳng định an toàn tuyệt đối, không mất thời gian hồi phục, có thể sinh hoạt, đi làm bình thường ngay sau khi thực hiện.
Tin tưởng, chị K đã để nhân viên của cơ sở này lấy máu và sử dụng các loại máy móc công nghệ được giới thiệu là tách chiết ra tế bào gốc. Sau khi tách chiết xong, họ lấy ra và tiêm trở lại vào vùng mặt của chị K. Khi thực hiện xong, chị K một mình đi xe máy trở về nhà. Tuy nhiên, khi đang đi đường, chị bỗng dưng bị ngất và ngã xe. Thấy vậy, người đi đường đã đưa chị đến Bệnh viện Da liễu trung ương cấp cứu.
Tiếp nhận ca bệnh trên, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, may mắn, nữ bệnh nhân được đưa vào bệnh viện kịp thời nên hiện tại sức khỏe đã phục hồi.
“Ngoài trường hợp này, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân phải tới viện thăm khám, điều trị phản ứng u hạt (các vết sẩn, mảng đỏ xuất hiện trên da mặt) sau khi thực hiện dịch vụ được quảng cáo là tiêm tế bào gốc tự thân tại các spa, cơ sở làm đẹp”, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thái Hà nói.
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân N.T.H (22 tuổi ở Hà Nội) đến Bệnh viện Da liễu trung ương trong tình trạng tím toàn bộ phần cánh mũi, rãnh mũi và môi trên bên trái kèm theo mụn mủ, sưng nề do tiêm filler làm đầy rãnh mũi môi (rãnh cười). May mắn, bệnh nhân chỉ tắc động mạch bên mũi và môi trên, đến viện kịp thời tiêm thuốc giải nên chỉ một ngày sau, các mụn đã xẹp đi, hồi phục da. Các bác sĩ cho biết, nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời, sẽ bị hoại tử toàn bộ da ở môi, mũi, thậm chí dễ gặp phải biến chứng mất thị lực hoàn toàn do bị tiêm sai kỹ thuật.
Tương tự, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) tiếp nhận nữ bệnh nhân 26 tuổi ở Bạc Liêu bị áp xe má sau tiêm filler (chất làm đầy) thường xuyên để trẻ hóa khuôn mặt. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler, gây hoại tử dưới da. Biến chứng này là hậu quả của việc vi phạm các kỹ thuật vô trùng và sử dụng sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn.
Tại Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy. Theo thông tin từ cơ sở, những bệnh nhân này sau tiêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, áp xe, chảy dịch, nhiều khi loét, hoại tử…, thậm chí là mù khi tiêm gần vùng mắt. Nguyên nhân là do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng, tiêm sai vị trí hoặc chất làm đầy không rõ nguồn gốc.
Nguy hiểm “chết người” từ dịch vụ trái phép
Điểm chung của nhiều ca biến chứng sau khi làm đẹp thời gian gần đây, theo các chuyên gia là do sử dụng các dịch vụ, thuốc chưa được cấp phép tại Việt Nam. Từ đó, các phương pháp này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, nguy hiểm tới tính mạng của con người.
Đơn cử như với công nghệ tiêm tế bào gốc tự thân, theo bác sĩ Vũ Thái Hà, đây là phương pháp mới được ứng dụng trong điều trị một số bệnh ung thư. Việc điều trị tế bào gốc trong một số lĩnh vực khác (như lĩnh vực làm đẹp) hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Lý do công nghệ này chưa được sử dụng rộng rãi là các công trình nghiên cứu chưa chứng minh có kiểm soát được tế bào gốc đi tới cơ quan đích hay không, từ đó có nguy cơ sinh khối u. Chính vì vậy, những cơ sở quảng cáo sử dụng công nghệ tế bào gốc trong làm đẹp hiện nay đều thực hiện trái phép.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương) cũng cho rằng, thời điểm cận Tết, nhu cầu làm đẹp tăng cao khiến tỷ lệ biến chứng cũng có xu hướng gia tăng theo. Các cơ sở làm đẹp không ngại quảng cáo với những lời lẽ “có cánh” và thực hiện nhiều thủ thuật không đúng với phạm vi hành nghề đã đăng ký với cơ quan chức năng.
“Ở một số quốc gia, chế tài xử phạt rất mạnh. Ví dụ, khi vi phạm một lần, người thực hiện có thể bị thu hồi chứng chỉ vĩnh viễn. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn tình trạng “phạt cho tồn tại” nên chưa đủ sức răn đe”, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Trước thực tế trên, các bác sĩ khuyến cáo, làm đẹp là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của người dân, đặc biệt trong dịp Tết đến, xuân về. Tuy nhiên, người dân nên lựa chọn các dịch vụ làm đẹp được cấp phép và thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, có các bác sĩ được đào tạo chuyên ngành để tránh “tiền mất, tật mang”.