Từ trận công đồn Tu Vũ đến Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ Tư 0:00 16/04/2014
ĐBP - Những ngày này cách đây 60 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, quân và dân ta đã lập nên chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - Chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm trường kì kháng chiến, mở ra thời kì mới xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Để có chiến thắng Điện Biên Phủ, cuối năm 1951 quân đội ta đã làm nên chiến thắng Tu Vũ mở màn chiến dịch Hòa Bình - Tây Bắc. Tại hội thảo 45 năm Chiến thắng Tu Vũ (10/12/1951-10/12/1996), cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Nếu không có trận Tu Vũ, sẽ không có trận Him Lam - Độc Lập”.

Cứ điểm Tu Vũ (thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) do Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn bộ binh Ma Rốc thứ nhất (1/1RTM) được tăng cường 1 đại đội thuộc tiểu đoàn Ngụy Mường số 6; 1 phân đội tăng và thiết giáp chiếm đóng; có công sự, hầm ngầm kiên cố, được trận địa pháo từ núi Chẹ, Đá Chông, Thủ Pháp yểm trợ, có sân bay dã chiến tiếp tế đường không, hệ thống công sự từ bãi nổi giữa sông Đà kiểm soát cả đường thủy, bộ, đường không. Bước vào trận đánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên bộ đội: “...Trước kia ta phải lừa địch ra mà đánh, nay địch tự ra cho ta đánh, đó là cơ hội rất tốt cho ta”. Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ và Trung đoàn trưởng Nguyễn Thái Dũng: “...Bộ Tổng tư lệnh đã cân nhắc và quyết định tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, mở màn chiến dịch Hòa Bình. Trận đánh phải thắng - chỉ được phép thắng. Có nhiều khó khăn đấy. Có thể phải trả giá rất đắt, có thể 1 trung đoàn không xong thì phải dùng tới 2 trung đoàn. Nhưng dù phải hy sinh bộ phận cho toàn bộ vẫn phải làm”. Với quyết tâm thực hiện nhiệm vụ Quân ủy Trung ương giao, đêm ngày mùng 10 tháng 12 năm 1951, Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn 308 cùng quân, dân huyện Thanh Thủy đã bước vào trận quyết chiến với quân thù.

Điều bất lợi của ta, ngay từ khi Trung đoàn tiến xuống trận địa, do trăng sáng đã bị lộ. Địch lập tức gọi pháo từ các nơi câu tới, hỏa lực mạnh của chúng từ công sự bắn ra làm cho quân ta thương vong nhiều vô kể. Chính trị viên - Bí thư Đảng ủy Đặng Quốc Bảo triệu tập hội nghị thường vụ Đảng ủy Trung đoàn ngay tại bờ ngòi Lát tiếp tục khẳng định: “Dù phải hy sinh thế nào cũng phải đánh thắng”. Trong điều kiện khốc liệt của chiến trường, lúc này riêng cán bộ cấp trưởng các tiểu đoàn đã bị thương vong 2/3, song các Trung đội: 209; 213 của Tiểu đoàn 23; 217, 219 của Tiểu đoàn 29; 227, 229, 225 của Tiểu đoàn 322 đã lần lượt xông lên dùng bộc phá, lựu đạn, sơn pháo 75 li, súng cối 82 lần lượt chiếm lĩnh từng ụ súng, lô cốt, dồn địch tháo chạy ra bãi cát ven sông Đà buộc chúng rút chạy bằng ca nô về núi Chẹ - Ba Vì. Nhiều tấm gương dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh. Tiểu đội bộc phá thuộc đại đội 217 sau khi đánh 9 quả bộc phá mở 6 hàng rào, cả 12 đồng chí anh hùng ngã xuống. Chiến sỹ Hảo thuộc đại đội 217 khi tiến đánh cứ điểm kiên cố cuối cùng khu A đã ôm quả bộc phá 20kg lao vào đánh sập hầm ngầm và anh dũng hy sinh tạo điều kiện cho Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết thúc trận đánh, ta diệt 155 tên, bắt sống 12 tên, bắn cháy 2 xe tăng, 2 xe bọc thép, phá hủy 5 khẩu pháo, thu nhiều vũ khí, đạn dược, phá vỡ phòng tuyến sông Đà. 

Đồng chí Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao tặng biểu tượng Tượng đài Chiến thắng Tu Vũ cho gia đình cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chiến thắng Tu Vũ được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhận là trận công kiên xuất sắc nhất của chiến dịch. Song cũng là chiến thắng sau khi nghe báo công, nước mắt Đại tướng ướt đầm áo gối. Tại hội thảo nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Tu Vũ, cố Đại tướng khẳng định: “Trận Tu Vũ là trận thắng lợi đầu tiên của quân đội ta đánh địch trong công sự gồm 1 tiểu đoàn tăng cường với lực lượng tinh nhuệ; cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta mới chỉ tiêu diệt được tiểu đoàn địch trong công sự. Không có trận Tu Vũ thì không có trận Him Lam - Độc Lập”.

Trong thư khen, cố Đại tướng viết: “Chiến thắng Tu Vũ... biểu hiện tinh thần hy sinh quả cảm, tích cực tiêu diệt địch và tính chủ động linh hoạt trong chiến đấu... Nó chứng tỏ bước tiến bộ của Trung đoàn... không chỉ về mặt kỹ thuật, mà cả về mặt tư tưởng của một đội quân cách mạng chỉ biết tiến không biết lùi”.

Kết thúc trận đánh, Trung ương liên đoàn (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày nay) đã trao cho Trung đoàn lá cờ của Đoàn thanh niên tự do Đức tặng thanh niên Việt Nam. Trung đoàn được báo công với Bác Hồ và hội đồng Chính phủ. Từ đây, trung đoàn được mang tên trung đoàn Tu Vũ.

Trở lại chiến trường Điện Biên Phủ, đây là trận thư hùng quyết định giữa quân đội ta và quân viễn chinh Pháp. Với đặc thù cứ điểm ở vào tâm điểm lòng chảo thung lũng Mường Thanh, xung quanh là các điểm cao án ngữ. Với hệ thống công sự, hầm ngầm, hào giao thông kiên cố, được máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ, trang bị hoả lực mạnh. Bước vào chiến dịch, Bác Hồ chỉ thị cho Đại tướng “Phải chắc thắng mới đánh”. Từ thực tiễn chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tướng trăn trở về chủ trương “Đánh nhanh, tiến nhanh” của ta, khi chưa kịp củng cố đội hình, hiệp đồng các binh chủng chưa chặt chẽ, vận động qua khoảng trống để tiếp cận mục tiêu, bộ đội ta sẽ phải hứng mưa bom, bão đạn của địch tổn thất sẽ khôn lường. Với tư tưởng sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, phân tích khoa học của nhà quân sự vĩ đại, kinh nghiệm xương máu từ chiến trường Tu Vũ, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi đến quyết định lịch sử, lùi thời điểm tiến công, kéo pháo ra, để “Đánh chắc, tiến chắc” theo tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ.

Trong hồi kí, cố Đại tướng cho đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình. Trong lịch sử chiến tranh, dù chậm song tiến công bằng đào hào giao thông là cách tiến quân độc đáo, an toàn, tối ưu, tránh tổn thất thương vong cho bộ đội nhiều nhất. Các mũi tiến quân đào đến đâu tiếp cận đồn, bốt, mục tiêu, diệt địch đến đấy. Từ giao thông hào, ta tiến sát các mục tiêu, chia cắt các phân khu, chiếm lĩnh, sân bay, cắt đứt đường tiếp tế bằng đường không duy nhất của địch. Quân trang, vũ khí, đạn dược, lương thực, thả dù hầu hết rơi vào tay ta, địch tăng cường phản kích chặn bước tiến của ta, song đều bị đẩy lùi. Địch bị mất dần không gian sống, thân phận chúng như cá nằm trên thớt.

Với tầm nhìn xa, trông rộng, “Đánh chắc, tiến chắc” tạo thiên thời, địa lợi cho ta. Thời tiết lúc này đã cuối xuân, sang hè, nắng tây bắc như đổ lửa, dưới hầm hào của địch bùn, phân ngập ngụa, xác chết không chôn được, quân địch không có lương ăn, nước uống, thuốc men thiếu thốn, mùi xú uế nồng nặc khiến quân Pháp như nằm trên chảo lửa. Ta càng đánh càng hăng, với thế giằng co, vây lấn từng lô cốt, tranh chấp từng mét chiến hào, điểm cuối cùng Đồi A1 chúng ta đã nổ quả bộc phá ngàn cân từ một đường hầm, với sức công phá lớn, buộc địch phải kéo cờ trắng ra hàng. Ta giành thắng lợi hoàn toàn sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Cuộc đối đầu lịch sử giữa “châu chấu” và “voi” đã đi vào hồi kết “voi đã bị lòi ruột ra” như Bác Hồ nhận định khi bắt đầu cuộc chiến.

Từ chiến trường Tu Vũ đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chúng ta càng thêm tự hào bởi thực tiễn, kinh nghiệm chiến thắng Tu Vũ đã góp phần hoàn thiện đường lối chiến tranh nhân dân. Có thực tế để Đại tướng đi đến quyết định sáng suốt, đúng đắn, kịp thời chuyển từ “Đánh nhanh, tiến nhanh”, sang “Đánh chắc, tiến chắc” để kết thúc cuộc chiến tranh, giành thắng lợi. Tự hào về truyền thống đoàn kết quân - dân, xúc động về những du kích Tu Vũ, Yến Mao bất chấp hiểm nguy, vượt núi, băng đèo, qua bom đạn đưa đường cho bộ đội, trinh sát tấn công đồn địch. Cảm động trước tình nghĩa các xóm làng chở che, nuôi giấu bộ đội, chăm sóc thương binh. Tự hào về truyền thống quê hương được đặt tên cho Trung đoàn Tu Vũ, về một Quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, có lệnh là đi, chỉ biết tiến không biết lùi, luôn vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Khâm phục, tự hào có một Đại tướng của Nhân dân, văn - võ song toàn, mưu lược, luôn giành thế chủ động trên chiến trường, buộc địch phải chấp nhận cách đánh của ta, tránh thương vong tổn thất cho bộ đội. Chiến thắng Điện Biên Phủ là bước hoàn thiện của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Khẳng định sự lớn mạnh của quân đội ta đi từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại, từ đơn lẻ đến phối hợp các binh chủng hợp thành. Là sự kết hợp cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của một đội quân chỉ biết tiến không biết lùi. Là kinh nghiệm quý báu trong công tác Đảng, công tác chính trị phải đi trước một bước. Chiến thắng Điện Biên là một mốc son chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp ở Đông Dương, thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước trên thế giới. Mở ra một thời kì mới cho dân tộc ta tiến lên hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.