Tối 4/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV-năm 2022 chính thức khai mạc. Chương trình do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Dự lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV.
Các đại biểu dự khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV tại Thành phố Hồ Chí Minh. |
Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV có sự tham gia của hơn 800 đại biểu từ 86 đơn vị (bao gồm 63 Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương, địa phương và đài phát thanh-truyền hình của các bộ, ngành). Có 203 tác phẩm của 86 đơn vị lọt vào vòng chung khảo.
Phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cách đây khoảng một năm, Thành phố Hồ Chí Minh và rất nhiều địa phương khác đã phải đối diện với muôn vàn khó khăn do sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, mọi hoạt động trực tiếp bị ngưng trệ, hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy sức mạnh hiệu quả to lớn. Bằng hình thức phát thanh trên các nền tảng, trên đa phương tiện, được lan tỏa nhanh chóng, những tiếng nói ấy, những âm thanh ấy đã cùng chính quyền địa phương ổn định tình hình xã hội, tăng cường sự đoàn kết, đồng lòng của nhiều tầng lớp nhân dân; truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt; phản bác các thông tin xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch.
Đồng chí Phan Văn Mãi tin tưởng: Những người làm báo phát thanh vẫn đang ngày đêm giữ gìn và phát huy bản sắc của tiếng nói Việt Nam. Đó là, tiếng nói của chính nghĩa, sự thật, cảm xúc; là tiếng nói thấm dần, thấm sâu, là người bạn đồng hành thân mật với thính giả để cùng chia sẻ và giãi bày mọi vấn đề trong cuộc sống.
Thay mặt Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí gửi lời chúc chân thành đến sự thành công của Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022.
Tiết mục văn nghệ chào mừng khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV tại Thành phố Hồ Chí Minh. |
Phát biểu tại Lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhiệt liệt chúc mừng những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên, văn nghệ sĩ đang công tác trong ngành phát thanh nhân ngày hội lớn của ngành, chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả đã xuất sắc lọt vòng Vòng chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV-năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà Đài Tiếng nói Việt Nam và các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành phát thanh Việt Nam đã đạt được trong chặng đường 77 năm xây dựng và trưởng thành. Ngành phát thanh Việt Nam không ngừng lớn mạnh, hiện đại, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và dân tộc, luôn xứng đáng là tiếng nói của Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Đồng chí mong muốn và tin tưởng cán bộ, công nhân viên ngành phát thanh Việt Nam sẽ luôn giữ vững vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là một trong những cơ quan báo chí chủ lực của đất nước, xứng đáng với sự kỳ vọng và tin yêu của nhân dân.
Nhấn mạnh về ý nghĩa của Liên hoan Phát thanh lần thứ XV, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ tán thành và đánh giá cao chủ đề của Liên hoan Phát thanh năm nay là “Linh hoạt chuyển đổi - Thích ứng vượt lên”. Đây cũng là nội dung quan trọng mà ngành phát thanh Việt Nam cần quan tâm trong những năm tiếp theo.
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sự phát triển của các loại hình báo chí truyền thống là báo viết, báo nói và báo hình, các loại hình báo chí mới như báo điện tử và đặc biệt là mạng xã hội ra đời và phát triển mạnh mẽ đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình báo chí truyền thống. Vì thế, Đài Tiếng nói Việt Nam và ngành phát thanh Việt Nam cần liên tục đổi mới tư duy, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo cách làm mới để linh hoạt chuyển đổi, thích ứng với cách làm báo trong thời kỳ mới để vượt lên.
Để nhân rộng những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa vai trò của phát thanh Việt Nam trong thời kỳ mới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng và ngành phát thanh Việt Nam nói chung cần thực hiện tốt vai trò là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân, và là kênh phản biện xã hội hữu hiệu.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Mỗi nhà báo phát thanh, mỗi cơ quan báo chí phát thanh cần ý thức rõ sứ mệnh của mình, nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin chính xác, kịp thời, với mục tiêu cao nhất là tạo đồng thuận xã hội vì mục tiêu ổn định chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế, khơi dậy ý thức, quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc… Phát thanh Việt Nam cần phát huy lợi thế của mình, là kênh thông tin nhanh nhạy, kịp thời, không biên giới. Các cơ quan báo phát thanh cần tích cực tham gia và thực hiện Đề án chuyển đổi số của Chính phủ.
Chuyển đổi số trong báo chí nói chung và phát thanh nói riêng không chỉ là chuyển đổi về công nghệ, về cách làm, mà quan trọng nhất, đó là chuyển đổi về mặt tư duy, từ cấp quản lý, lãnh đạo cho đến các khâu, các công đoạn của quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm báo chí. Đây là giải pháp mang tính đột phá, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các cơ quan báo chí nói chung và phát thanh nói riêng trong thời kỳ mới.