Mèo trong mắt nhìn dân gian...

Thứ Sáu 7:56 20/01/2023

Mèo - một con vật khá đặc biệt khi chỉ xuất hiện trong 12 con giáp của Việt Nam, trong khi, ở các quốc gia khác như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan..., vị trí này được dành cho thỏ. Trong 12 con giáp, mèo đứng ở vị trí thứ tư, sau các con: Chuột, trâu, hổ. Vốn là loài vật được con người thuần chủng từ rất sớm, nên mèo rất thân thuộc và gần gũi với đời sống. Hiện nay, mèo đã trở thành một trong những con vật cưng phổ biến nhất trên thế giới và trở thành người bạn thân thiết với mỗi gia đình.

 

Như một phần không thể thiếu trong cuộc sống, hình tượng mèo đã đi vào thơ ca, thành ngữ, ca dao, tục ngữ, trở thành hình ảnh khá quen thuộc trong các tác phẩm nghệ thuật, văn học, ca nhạc. Với rất nhiều sắc thái khác nhau, thậm chí không đồng nhất, mèo trong văn hóa dân gian có biểu cảm đa dạng, song đều có ý nghĩa liên hệ đến con người, đến cuộc sống.

Những câu ca dao, tục ngữ đã đi vào cuộc sống, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với ý nghĩa thâm thúy, sâu sắc, nhắc nhở mỗi người một lẽ sống. Có những câu đã trở thành câu cửa miệng như: Mèo khen mèo dài đuôi; chó chê mèo lắm lông; chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào; có ăn nhạt mới thương tới mèo... Như một cách nhắc nhở khéo đừng tự mãn, đề cao cá nhân mình; trước khi chê bai ai, hãy nhìn lại bản thân; trong cuộc sống chưa biết ai sẽ thắng ai; hay khi gặp cảnh khổ mới biết thương người không may mắn bằng mình...

Đặc biệt, bài đồng dao “Con mèo mà trèo cây cau” hết sức quen thuộc, bao thế hệ người Việt từng được nghe bà, mẹ hát ru từ thuở nằm nôi, từng thuộc lòng, được ghi trong sách giáo khoa: “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đàng xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo!”. Bài đồng dao vui nhộn này chắc chắn sẽ còn được lưu truyền mãi trong dân gian...

Không chỉ ca dao, tục ngữ, mèo còn đi vào dòng tranh Đông Hồ với những bức nổi tiếng như: Đám cưới chuột, Em bé ôm mèo... Hình tượng mèo trong bức tranh “Đám cưới chuột” thể hiện mèo ở khía cạnh đại diện cho tầng lớp thống trị, bóc lột trong xã hội xưa. Thông qua sự đối nghịch mèo - chuột, bức tranh “Đám cưới chuột” nhằm châm biếm, đả kích sâu sắc chế độ phong kiến bất công, cổ hủ, thối nát, luôn chèn ép những người nông dân hiền lành “một nắng, hai sương”. Còn với bức “Em bé ôm mèo”, ngụ ý với mong muốn, mong cho em bé nhanh trí, lanh lẹ như mèo...

 

 

Dù ở mỗi quốc gia, dân tộc, mèo mang ý nghĩa và sắc thái biểu cảm khác nhau, có nơi coi mèo là hiện thân của sự may mắn, song cũng có nơi coi mèo là tà ma, điềm dữ... Mèo là sự hòa trộn của sự lười biếng nhưng lanh lẹ, tháo vát; là sự đáng yêu nhưng lạnh lùng, hờ hững, nhưng vẫn có sức hút rất kỳ lạ bởi sự bí ẩn của mình... Với Việt Nam, mèo là con vật được yêu quý vì chúng diệt chuột, bảo vệ mùa màng. Đặc biệt, ở các vùng đô thị hiện nay, mèo nhất mực được cưng chiều trong nhiều gia đình. Không chỉ đơn thuần với nhiệm vụ bắt chuột truyền thống, mèo giờ đã “lên ngôi”, trở thành thành viên của nhiều gia đình. Không chỉ là các giống mèo thuần Việt, hiện rất nhiều giống mèo nước ngoài đẹp, lạ đã được nhập về Việt Nam. Với nhiều gia đình, mèo được yêu chiều, bầu bạn với con người. Thật ấm áp, đáng yêu, chúng như một cuộn len mềm mại, ngước đôi mắt to tròn dụi đầu vào chân bạn... Lúc ấy, hẳn rằng mọi mệt mỏi sẽ dần tan biến, thay vào đó là những ngọt ngào tan chảy!!!

Hình tượng mèo sẽ tiếp tục biến hóa theo thời gian, không gian, theo văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Năm Quý Mão đang ghé thềm thời gian, chúng ta lại cùng nhau chiêm nghiệm một năm mới với kỳ vọng vào những điều tốt đẹp của năm mèo!