ĐBP - Ngày 12/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022. Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.
Năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân, bảo đảm thực hiện tốt sự bao phủ của các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội hiện hành. Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động để kịp thời có các phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; hỗ trợ tạo việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động, nhất là các đối tượng yếu thế; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp trực tuyến… Cùng với đó, Bộ tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng; 86% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 86% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời…
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm xuất hiện và gia tăng các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp mà hệ thống an sinh xã hội hiện hành chưa bao phủ tới. Trong hoàn cảnh đó, nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đã được ban hành, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch, như: Nghị quyết 68 với 35,9 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng; Nghị quyết số 116 giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động với số tiền trên 30,5 nghìn tỷ đồng… Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa to lớn của các tổ chức cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh.
Bước sang năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành, 15 nhóm nhiệm vụ giải pháp và 83 nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương những cố gắng, nỗ lực, những thành tích của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đạt được trong năm 2021; đồng thời, nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, tồn tại mà ngành cần khắc phục trong thời gian tới. Bước sang năm 2022, đồng chí đề nghị Bộ tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc người có công; phối hợp tốt, đồng bộ trong công tác giảm nghèo; khắc phục khó khăn trong xuất khẩu lao động; tích cực, tập trung vào công tác bảo vệ trẻ em, hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đến tận cấp xã; có những chương trình hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch bệnh; quyết tâm, tập trung cải cách hành chính, chuyển đổi số; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, không để thất thoát ngân sách, không nhầm đối tượng… Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang tới gần, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Lao động, Thương binh và Xã hội nỗ lực chuẩn bị tết an toàn, ấm cúng cho người dân, nhất là những đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.