ĐBP - Đi lễ chùa cầu an, cầu may mắn; du xuân đầu năm cầu lộc, cầu tài… là nét đẹp văn hóa, phong tục truyền thống của nhiều gia đình Việt. Chính vì vậy, trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại các đền, chùa, công trình văn hoá, tâm linh… người dân đến tham quan, vãn cảnh, khám phá, thưởng lãm nét đẹp hoang sơ, huyền bí; đồng thời chiêm bái, khấn cầu cho gia đình, người thân có sức khỏe, hạnh phúc, mọi việc thuận lợi, hanh thông…
Trên địa bàn tỉnh, người dân thường tập trung đi lễ tại Đền thờ Tướng quân Hoàng Công Chất, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên hay Chùa Linh Quang, Linh Sơn, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên; các nghĩa trang liệt sĩ tại TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên… Đến thắp hương, chiêm bái, lễ tạ tại các điểm tâm linh, công trình văn hóa, tâm hồn người dân, con nhang, đệ tử cảm thấy thoải mái, thanh thản, như được trút bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh.
Không chỉ du xuân, vãn cảnh tại các điểm văn hóa, tâm linh. Tại một số huyện: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Nậm Pồ… cấp ủy, chính quyền tổ chức hội xuân để bà con được vui chơi, giao lưu các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; lựa chọn, mua sắm các sản vật OCOP địa phương…
Đến với hội xuân Điện Biên Đông, tổ chức từ ngày 2 - 5/1 âm lịch, du khách, người dân địa phương được xem thi đấu chọi bò, trình diễn trang phục dân tộc, giao lưu dân ca dân vũ… Nhiều năm gần đây, Điện Biên Đông duy trì tốt hội xuân, giúp người dân địa phương bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống; đồng thời gắn kết tình cảm giữa người dân sở tại và du khách thập phương.
Ngày hội văn hoá các dân tộc huyện Nậm Pồ lần thứ II tổ chức tại xã Phìn Hồ từ ngày 10 - 12/1 âm lịch cũng thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, du lịch, mua sắm hàng hóa… Là huyện đặc biệt khó khăn, người dân ít có cơ hội đi xa để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, thì việc huyện Nậm Pồ tổ chức ngày hội giúp bà con địa phương, du khách xích lại gần nhau hơn, tình cảm, mối quan hệ càng thêm gắn bó, bền chặt.
Tại TP. Điện Biên Phủ, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các hoạt động văn hoá, văn nghệ… được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức một cách bài bản, khoa học. Đông đảo người dân địa phương, khách du lịch được tìm hiểu, khám phá nét đẹp văn hóa các dân tộc; được trải nghiệm, hòa mình vào các trò chơi dân gian hấp dẫn, vui nhộn.
Mục đích của các huyện, thị khi tổ chức hội xuân, hoạt động văn hóa, tâm linh là để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Với 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống khác nhau. Quan điểm nhất quán của Đảng ta là “văn hóa còn thì dân tộc còn”; trong tương lai phải quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế… Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bố trí, huy động nguồn lực, vật lực cho bảo tồn, tôn tạo, phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa, tâm linh, nhưng gần đây tỉnh Điện Biên đã và đang nỗ lực hết mình để bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc đúng nghĩa.
Quan tâm, chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, tâm linh; các tour, tuyến du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá hang động, rừng đặc dụng, bản văn hoá du lịch… có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chuyên sâu, đã thu hút động đảo du khách đến với Điện Biên. Với trên 80.200 lượt khách du lịch tại Điện Biên trong 8 ngày tết (từ ngày 8 - 15/2), tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy sức hút của các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa tâm linh, hội xuân… trên địa bàn tỉnh đối với du khách gần xa.
Xuân Giáp Thìn mang đến nhiều niềm tin, hi vọng vào tương lai tốt đẹp. Tới đây, Điện Biên tổ chức chuỗi các hoạt động: Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024; kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ… Mọi công việc cho năm “Đại lễ” đã sẵn sàng. Điện Biên gửi đến du khách gần xa, cả khách quốc tế thông điệp sẽ làm “vui lòng khách đến, hài lòng khách đi”.