Dựa vào dân, lấy dân làm gốc trong phòng thủ dân sự

09:42 - Thứ Hai, 25/03/2024 Lượt xem: 4755 In bài viết

ĐBP - Nâng cao nhận thức về phòng thủ dân sự đang được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, địa phương trong tình hình mới. Qua đó, huy động sự tham gia, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và các thảm họa khác, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Lực lượng vũ trang tỉnh giúp dân sửa chữa nhà bị hư hỏng do dông lốc tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.

Bám sát nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng thủ dân sự, các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự thông qua làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó, cơ quan quân sự, công an và các ban, ngành, mặt trận tổ quốc, đoàn thể với vai trò tham mưu và phối hợp đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức về mục tiêu, ý nghĩa Luật Phòng thủ dân sự. Nội dung tập trung về các quy định, vấn đề cơ bản của luật; nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự...

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh, mưa lũ, sạt lở đất đá đã làm 542 hộ gia đình bị ảnh hưởng, 965ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 1.027 con gia súc, gia cầm chết, mất tích; nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng, gây ách tắc giao thông. Toàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 81ha thảm thực vật, 9 vụ cháy nhà và cơ sở sản xuất kinh doanh. Các đợt thiên tai, hỏa hoạn đã làm chết 4 người dân. Ước thiệt hại khoảng 55 tỷ đồng.

Với sự chủ động từ sớm, từ xa và phát huy vai trò của các lực lượng chức năng và Nhân dân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động hơn 1.800 người (trong đó có 1.308 người dân) tham gia dập tắt các đám cháy, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đồng thời, huy động 943 lượt người, 5 máy xúc tham gia khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất gây ra.

Lực lượng chức năng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm trong buổi diễn tập về phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ cháy rừng, thảm thực vật, gây thiệt hại khoảng 46,5ha rừng; 4 vụ cháy nhà, thiệt hại khoảng 630 triệu đồng. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động 1.158 lượt người và phương tiện tham gia chữa cháy, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời.

Theo Ban Tác huấn (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), trong trường hợp xảy ra các sự cố thiên tai, hỏa hoạn, riêng lực lượng quân đội có thể huy động lên đến 800 - 1.000 cán bộ, chiến sĩ cả lực lượng tại chỗ, lực lượng cơ động và lực lượng cơ động hiệp đồng của các đơn vị thuộc Quân khu 2 đứng chân trên địa bàn tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả. Cùng đó, phát huy hiệu quả “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đối với các địa phương cũng chú trọng tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của công tác phòng thủ dân sự, nhất là về các phương án ứng phó với thảm họa chiến tranh, động đất, mưa lũ, sạt lở đất, cháy rừng… Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và sự tham gia của toàn dân trong phòng thủ dân sự. Nâng cao nhận thức, kiến thức, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các lực lượng và nhân dân trong công tác phòng thủ dân sự.

Lực lượng chức năng và người dân huyện Tủa Chùa tham gia diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp liên ngành; xây dựng chiến lược phòng thủ dân sự đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đa dạng hóa nguồn lực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác phòng thủ dân sự thời gian qua còn một số hạn chế cần rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục như: Công tác chủ động nắm, dự báo, thông báo tình hình thiên tai còn chậm. Hệ thống thông tin chủ yếu dựa vào mạng di động, song tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa được phủ sóng. Địa hình trên địa bàn tỉnh chủ yếu đồi núi, giao thông chưa đồng bộ do đó khi xảy ra mưa, lũ cơ động gặp nhiều khó khăn. Phương án ứng phó với từng loại thảm họa, sự cố có nơi xây dựng chưa sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa bàn. Phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” nhiều nơi còn tính hình thức…

Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường; ô nhiễm môi trường, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều thách thức đang đặt ra cho công tác phòng thủ dân sự. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương rà soát bổ sung, hoàn thiện thể chế về phòng thủ dân sự; kiện toàn hệ thống tổ chức, lực lượng phòng thủ dân sự; tổ chức huấn luyện, diễn tập; đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng thủ dân sự; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; xây dựng các công trình, trang thiết bị phòng thủ dân sự.

Ông Lò Văn Liên (thứ 2 từ trái sang) Bí thư chi bộ bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên tuyên truyền Luật Phòng thủ dân sự đến người dân.

Tiếp tục phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong phòng thủ dân sự, trong đó hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, dân là gốc. Lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, dân phòng; công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của quân đội, công an; lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia. Phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra xung đột, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top