Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Đề án 79 ở Mường Nhé: Bao giờ lạc nghiệp ở dự án an cư? (3)

16:56 - Thứ Ba, 10/10/2023 Lượt xem: 2400 In bài viết

Bài 3: Cần giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 79

ĐBP - Trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 79, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản về việc kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến hết năm 2025. Đến thời điểm này, mốc thời hạn kéo dài không còn nhiều, để cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” hiệu quả cần xác định rõ nguyên nhân, có giải pháp căn cơ cùng sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và chính người dân thuộc vùng Đề án. 

Bài 2: Chưa lạc nghiệp ở dự án an cư

Bài 1: Ổn cư vùng đất mới

Bí thư Chi bộ bản Tân Phong, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé tuyên truyền về thực hiện Đề án 79 trong giai đoạn mới.

Xác định rõ nguyên nhân

Khi mới triển khai Đề án 79 (vào năm 2012) tiến độ nhiều dự án chậm do giải phóng mặt bằng, bố trí dân cư, bố trí đất sản xuất không đáp ứng yêu cầu. Một số điểm bản phải điều chỉnh bổ sung quy hoạch (Nậm Kè 2, Mường Toong 4, 5, 6, 7, 8, 10, Mường Nhé 1, 2) và tình trạng di cư tự do tập trung tại một số điểm gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bố trí dân cư, bố trí đất ở, đất sản xuất. Bởi vậy, quá trình thực hiện Đề án, Điện Biên điều chỉnh hỗ trợ đời sống và xây dựng cơ sở hạ tầng đến năm 2018, hỗ trợ phát triển sản xuất đến năm 2020. Trước những khó khăn, bất cập trong triển khai, thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến hết năm 2025. Với những yêu cầu mới, tình hình mới, UBND huyện Mường Nhé (cơ quan thường trực Đề án) xác định rõ nguyên nhân nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, có nhiều nguyên nhân khiến Đề án 79 tắc nghẽn. Cụ thể: Điều kiện về quỹ đất hạn chế, hầu hết các điểm bản thành lập mới không quy hoạch được nghĩa địa. Ngoài ra, diện tích đất canh tác của một số bản sở tại ít, một số hộ dân có 100% diện tích đất canh tác thuộc vùng quy hoạch phải thu hồi, một bộ phận người dân không nhất trí với phương án mức giá hỗ trợ đền bù của Nhà nước nên khó thực hiện giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, người dân thuộc các điểm bản phải di chuyển đến điểm bản thành lập mới cũng thay đổi nguyện vọng di chuyển với lý do nơi ở mới đất bạc màu, vị trí quy hoạch không đủ mặt bằng, không có đất để khai hoang ruộng nước. Trong khi đó, là huyện biên giới còn nghèo nên khó huy động vốn lồng ghép (vốn xã hội hoá) để thực hiện các mục về vốn lồng ghép.

Cùng với đó, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện bố trí sắp xếp dân theo Đề án. Công tác vận động người dân di chuyển đến các điểm bản thành lập mới còn chậm. Số hộ dân phát sinh tăng tự nhiên hàng năm quá lớn, dẫn đến phá vỡ quy hoạch số hộ theo phương án đã phê duyệt. Đơn cử như với điểm bản: Cà Là Pá, Cà Là Pá 1 (xã Leng Su Sìn); Húi To 1, 2 (xã Chung Chải). Ngoài ra, thực hiện thu hồi đất, di chuyển dân đến các điểm bản thành lập mới cũng rất khó khăn. Vì vậy những năm qua tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ lương thực (hỗ trợ gạo) đối với các hộ dân di chuyển đến, các hộ dân có đất sản xuất bị thu hồi đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu Đề án. Do không phù hợp với thực tiễn vùng quy hoạch bố trí dân cư nên chính sách hỗ trợ trồng lúa nước, hỗ trợ cải tạo ao đắp bờ, hỗ trợ chuyển đổi nuôi trồng các loài thuỷ sản mới chưa triển khai thực hiện.

Huyện Mường Nhé chưa thể thực hiện hỗ trợ trồng cây công nghiệp và trồng rừng sản xuất, hỗ trợ khai hoang để trồng cà phê, cao su và các loại cây công nghiệp dài ngày khác, hỗ trợ giống phân bón để trồng cây cao su, cà phê do người dân không có nhu cầu thực hiện chuyển đổi cây trồng. Điều này là dễ hiểu bởi phong tục tập quán sản xuất của người dân trước nay chủ yếu trồng lúa; khi triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng sang cà phê, cao su, trồng rừng sản xuất thì người dân chưa thực sự mặn mà. Nhất là kết cấu hạ tầng thiếu, chưa đáp ứng nguyện vọng người dân. Một số công trình hạ tầng Đề án 79 thuộc nguồn vốn lồng ghép chưa được bố trí vốn thực hiện (nhà văn hóa thôn bản, nhà lớp học). Do nguồn vốn Đề án 79 hạn hẹp, một số hạng mục công trình đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn triển khai thực hiện, đã hết thời gian thực hiện dự án; đến nay phải điều chỉnh thời gian, chờ bố trí kế hoạch vốn thực hiện.

Ngoài các nội dung của Đề án 79, huyện Mường Nhé còn lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ khác để người dân sớm an cư, lạc nghiệp.

Giải pháp căn cơ

Xác định rõ khó khăn và nguyên nhân, để triển khai Đề án hiệu quả trong giai đoạn kéo dài, UBND huyện Mường Nhé đã đề nghị điều chỉnh, bổ sung phương án một số điểm bản do phát sinh tăng dân số tự nhiên quá lớn. Phương án Cà Là Pá, Cà Là Pá 1 xã Leng Su Sìn (tăng từ 80 hộ lên 374 hộ); phương án bản Húi To 1, 2 xã Chung Chải (tăng từ 60 hộ lên 157 hộ). Đồng thời, huyện đề xuất UBND tỉnh xem xét bố trí lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các điểm bản Đề án 79, trực tiếp theo dõi, giúp huyện, các xã thuộc các điểm bản Đề án 79 do đơn vị thực hiện chủ đầu tư. Huyện Mường Nhé cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư các điểm bản Đề án 79, tiếp tục phối hợp với UBND huyện giải quyết vướng mắc liên quan về đất đai, bố trí đủ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất ổn định đời sống người dân các điểm bản Đề án.

Trước những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Đề án 79, Huyện ủy Mường Nhé đã và đang quyết liệt thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 79 sâu sát tình hình, kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp thực hiện. Ông Bùi Minh Hải, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết: “Để triển khai có hiệu quả Đề án 79 trong thời gian tới, việc đầu tiên cần làm là các chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư của Đề án phải báo cáo tình hình triển khai thực hiện và xác định được những khó khăn vướng mắc mà mình đang gặp phải. Trên cơ sở đó đề xuất các phương án xử lý, khắc phục sao cho hiệu quả. Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện rà soát các danh mục, tiến độ giải ngân các công trình của Đề án. Đối với các công trình đang triển khai phải đảm bảo quản lý chất lượng xây dựng; thực hiện đảm bảo từ bước khảo sát, thiết kế, giám sát đến thi công và hoàn thiện công trình. Đối với các công trình đã bàn giao cần quan tâm duy tu, bảo dưỡng các công trình để phát huy hiệu quả… Những vướng mắc trong quá trình thu hồi, giải phóng mặt bằng, giao đất ở, đất sản xuất cho người dân được giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường chủ trì rà soát, tổng hợp đề xuất các phương án cụ thể. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND các xã rà soát, đánh giá lại toàn bộ các công trình, dự án đã được đầu tư tại các điểm bản của Đề án. Những công trình không hiệu quả, cần làm rõ nguyên nhân và chỉ ra hướng khắc phục cụ thể. Một việc cũng rất cần được quan tâm đó là tích cực, chủ động kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện hỗ trợ cho người dân…”.

Đến thời điểm này, việc triển khai thực hiện Đề án 79 trên địa bàn huyện Mường Nhé đã giúp những hộ dân nay đây, mai đó trước đây nay đã an cư, yên tâm gắn bó với mảnh đất cực Tây để lao động sản xuất, cùng các lực lượng chức năng gìn giữ biên cương của Tổ quốc. Thế nhưng, khi nào những người dân này mới “lạc nghiệp” vẫn là bài toán cần lời giải đáp trong thời gian sớm nhất.

Đề án 79 là đề án lớn, có ảnh hưởng quan trọng không chỉ tới kinh tế - xã hội mà còn cả vấn đề an ninh - quốc phòng khu vực biên giới. Bởi vậy, các cấp, ngành và huyện Mường Nhé cần tích cực vào cuộc, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 79. Làm sao để đến năm 2025, tất cả mục tiêu của Đề án quan trọng này sẽ được triển khai thực hiện, để người dân “an cư, lạc nghiệp” tại mảnh đất biên viễn cực Tây…

Bài, ảnh: Mai Phương - Mai Giáp
Bình luận

Tin khác

Back To Top