Đại biểu Quốc hội: Thoát nghèo phải bắt đầu từ ý chí vươn lên của người dân

15:46 - Thứ Hai, 30/10/2023 Lượt xem: 2464 In bài viết

Ngày 30-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV), tại phiên thảo luận của Quốc hội ở hội trường về việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình mục tiêu, chính sách hỗ trợ của nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể có ý thức vươn lên.

Thay đổi nhận thức, tư duy để thúc đẩy thoát nghèo

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nhìn nhận, giảm nghèo bền vững là thách thức lớn, có gia đình đang bình thường nhưng nếu có người bị bệnh nặng, phải điều trị lại trở thành hộ nghèo. Tuy nhiên, có những cơ may để gia đình thoát nghèo, quan trọng nhất là ý chí vươn lên thoát nghèo, tự lực cánh sinh. Sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình mục tiêu, chính sách hỗ trợ của nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể có ý thức vươn lên. 

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu vấn đề, tại sao cùng một điều kiện hoàn cảnh, có người vươn lên thoát nghèo, có người mãi khó khăn. Do vậy, cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức của đối tượng thụ hưởng chính sách về thoát nghèo; cần có thước đo đánh giá hiệu quả đến đối tượng để tạo ra sự chuyển biến của cá nhân, gia đình, thay đổi nhận thức, tư duy.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) phát biểu tại hội trường về các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có giảm nghèo bền vững. Ảnh: VPQH

Về kinh nghiệm của một số nước trong công tác giảm nghèo, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu ví dụ như tại Hàn Quốc, chương trình mang tên “Làng mới” được phát động vào năm 1970, hơn 3.000 làng, xã của Hàn Quốc, mỗi nơi được phát hơn 350 bao xi măng, không giao mục tiêu, không giám sát, các làng tự họp với nhau xem làm gì, với tinh thần người dân phải chuyển biến, suy nghĩ thì mới tạo được thay đổi. Nơi chọn làm đường giao thông, nơi làm đường ra ruộng, nơi làm nhà văn hóa. Khi tư duy thay đổi rồi họ thúc đẩy những việc khác từ làng, thôn xóm sạch đẹp đến xây dựng nông nghiệp, nông thôn mới, phát triển kinh tế, cải tạo đất canh tác, cơ giới hóa nông nghiệp…

Từ đó, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị, cần cân nhắc phân bổ vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về cho địa phương để các địa phương tùy điều kiện của mình giải quyết những vấn đề đang đặt ra tại địa phương. Bên cạnh đó, vấn đề truyền thông xóa đói giảm nghèo có vai trò rất quan trọng, góp phần thúc đẩy ý chí, ý thức giảm nghèo, thoát nghèo bền vững, quyết tâm khắc phục hoàn cảnh vươn lên.

"Giảm nghèo quan trọng nhất là hiệu quả, đi vào người dân, đi vào đúng đối tượng", đại biểu nhấn mạnh. 

Cần quan tâm hơn nữa đến chăm sóc sức khỏe nhân dân

Chia sẻ quan điểm của đại biểu Quốc hội về việc trong gia đình có người phải điều trị bệnh dễ dẫn đến tái nghèo, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Đình) cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều dự án thành phần như đầu tư phát triển hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, giáo dục phát triển nghề nghiệp… Tuy nhiên, chưa có dự án nào cụ thể nhấn mạnh đến chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân ở địa bàn khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Đình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, nguyên nhân phổ biến khiến tái nghèo là gia đình có người ốm, phải dồn tiền của để chăm sóc người bệnh. Những bệnh lý phổ biến như huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần điều trị thường xuyên. Nếu được dùng thuốc tốt, chăm sóc đúng cách, tỷ lệ bệnh trở nặng sẽ thấp, có thể khống chế được. Hiện nay, tỷ lệ biến chứng bệnh cao do không có thuốc tốt điều trị thường xuyên, thiếu phương tiện chăm sóc, kiểm soát biến chứng, sơ cứu ban đầu.

“Có gia đình có người bị đột quỵ phải vào bệnh viện điều trị, tất cả tiền dự trữ trong nhà "đội nón ra đi", chưa kể vay mượn, người bệnh mất khả năng lao động trở thành gánh nặng…”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

Đại biểu bày tỏ mong muốn Quốc hội đặc biệt lưu ý đến vấn đề thay đổi chăm sóc sức khỏe người già, trẻ nhỏ, các bệnh mãn tính. Các nguồn lực nên tập trung vào dự án chẩn đoán và điều trị bệnh lý không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao như huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tâm thần… Đồng thời, cần quan tâm đến tiêm chủng, dinh dưỡng, bệnh lão khoa… và chú ý hơn nữa đến hệ thống y tế cơ sở cho người dân. 

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top