Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV:

Không bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, vì sao?

14:54 - Thứ Ba, 31/10/2023 Lượt xem: 2382 In bài viết

Sáng 31-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). 

Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thực tiễn tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cho thấy các sàn giao dịch bất động sản hiện nay chưa đủ khả năng để bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch, đã xuất hiện nhiều trường hợp sàn giao dịch bất động sản có hành vi làm nhiễu loạn thị trường. 

Việc bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản sẽ dẫn đến nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật, không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững.

Tại Kỳ họp thứ năm, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định bắt buộc mà chỉ khuyến khích giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh sửa dự thảo luật theo hướng bỏ quy định về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản tại Chương VII dự thảo luật; bổ sung khoản 7 Điều 8 dự thảo luật về chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản. 

Theo đó “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản”.

Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, mô hình sàn giao dịch kinh doanh bất động sản đã được quy định nhưng hoạt động còn bất cập, chưa bảo đảm việc quản lý các giao dịch bất động sản, phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản; quy định về điều kiện thành lập, hoạt động… sàn giao dịch bất động sản còn đơn giản, dẫn đến có nhiều bất cập trên thực tế.

Các đại biểu dự phiên họp. 

Cụ thể là chưa hình thành được hệ thống giao dịch đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, bảo đảm kiểm soát tốt tính pháp lý của các giao dịch bất động sản, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.

Quản lý nhà nước về thông tin thị trường bất động sản với thực tiễn, đơn cử như việc nhiều Sở Xây dựng địa phương không quản lý được số lượng các sàn giao dịch bất động sản còn hoạt động hay đã đóng cửa; chất lượng cũng như năng lực thật sự của các sàn giao dịch này cũng chưa có công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu để đánh giá và quản lý.

Chính phủ cũng đánh giá còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Trong cả hai dự thảo lần thứ nhất và lần thứ hai, Chính phủ đều kiến nghị quy định chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để người dân tự xây dựng nhà ở phải thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top