Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế

15:24 - Thứ Ba, 31/10/2023 Lượt xem: 3403 In bài viết

Ngày 30/10, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Quan điểm xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia được Chính phủ xác định theo tiêu chuẩn quốc tế, phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, với các quy hoạch, chiến lược phát triển quốc gia; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với sự phát triển của cá cơ sở dữ liệu quốc gia và tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, Trung tâm Dữ liệu quốc gia là trung tâm dữ liệu do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. 

Dữ liệu tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh, đồng thời cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ quan có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Trung tâm Dữ liệu quốc gia có vai trò tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, khai thác, chia sẻ, phân tích và điều phối tất cả các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu liên quan đến con người (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người có liên quan đến hoạt động kinh tế - xã hội tại Việt Nam) theo quy định của pháp luật để tạo dựng kho dữ liệu về con người; dữ liệu liên quan đến con người bao gồm các thông tin đã được số hóa có nội dung gắn với con người, bao gồm: Dữ liệu dân cư, bảo hiểm, y tế và an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, cán bộ công chức, viên chức, căn cước, hộ tịch, hoạt động tài chính và các hoạt động khác từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở dữ liệu khác.

Người dân, doanh nghiệp phát triển các tiện ích, khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo từ dữ liệu, Đề án 06 của Chính phủ.

Sử dụng các dữ liệu đã được thu thập, đồng bộ để thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện sự phục vụ của các cơ quan Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tiến hành phân tích chuyên sâu nhằm hỗ trợ Chính phủ trong công tác quản lý Nhà nước; đưa ra các chính sách an ninh liên quan đến bảo hiểm, y tế, giáo dục…, góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ cho xã hội.

Phân tích chuyên sâu các dữ liệu bảo đảm việc hỗ trợ công tác xây dựng các cơ chế chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển quốc gia, đồng thời tạo điều kiện phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ mới trên nền các dữ liệu số được khai thác từ các kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội.

Tập trung các công nghệ, giải pháp hiện đại, đồng bộ, bảo đảm an ninh an toàn để cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ quan Đảng, Quốc hội, cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội khi có nhu cầu. Trao đổi, kết nối quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu xây dựng và thực thi các chiến lược phát triển đất nước và đặt nền tảng nghiên cứu, hỗ trợ, khai thác, phát triển nền khoa học công nghệ quốc gia.

Mục tiêu tổng quát về phát triển Trung tâm Dữ liệu quốc gia khi đưa vào triển khai hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.

Về phát triển dữ liệu quốc gia, Chính phủ xác định phát triển kho dữ liệu tổng hợp với dữ liệu gắn với con người và các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số. Việc hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số của Việt Nam.

Về phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, Trung tâm Dữ liệu quốc gia cung cấp hạ tầng phục vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các thủ tục hành chính, kết hợp cùng với việc tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia khác sẽ giúp phát triển Chính phủ số và cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không còn phù hợp, gia tăng sự hài lòng của người dân với hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước. Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trên nền tảng dữ liệu số.

 

Chính phủ cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Về dữ liệu; quy hoạch kiến trúc dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia; phân tích và khai thác dữ liệu; hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin; cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển Chính phủ điện tử và về phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác kho dữ liệu tổng hợp, triển khai ngay việc tổng hợp dữ liệu liên quan đến công dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống, có hoạt động tại Việt Nam làm tiền đề phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ bảo đảm an ninh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội (hoàn thành cơ bản năm 2025); bảo đảm dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống cho các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như cơ sở dữ liệu của các cơ quan, tổ chức do các dữ liệu được tổng hợp, đối sánh từ nhiều nguồn…

Đến năm 2025, Chính phủ đặt ra yêu cầu hoàn thành cơ bản xây dựng và đưa vào khai thác kho dữ liệu tổng hợp được đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và phối hợp khai thác với kho dữ liệu về con người; từ năm 2026, triển khai thực hiện việc phân tích dữ liệu chuyên sâu hỗ trợ công tác xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch chiến lược phát triển quốc gia; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên nền các dữ liệu số được khai thác từ các kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Từ năm 2025, đưa Trung tâm Dữ liệu quốc gia đóng vai trò là nơi trao đổi, kết nối quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu phát triển các chiến lược phát triển và đặt nền tảng nghiên cứu, hỗ trợ khai thác, phát triển nền tảng khoa học công nghệ đất nước. Đến 2023, hoàn thành việc triển khai Trung tâm Dữ liệu quốc gia là nơi lưu trữ dữ liệu, hệ thống thông tin của các cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống thông tin trong nước và tổ chức Chính phủ các nước để phục vụ các hoạt động trên môi trường số bảo đảm lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Về mục tiêu cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, Trung tâm Dữ liệu quốc gia tham gia và đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính và phát triển Chính phủ số Việt Nam, như: Bảo đảm 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ do cơ quan Nhà nước ban hành được lưu trữ trong khi dữ liệu số của các cơ quan Nhà nước, được chia sẻ và sử dụng lại trong các thủ tục hành chính, hoạt động hành chính và sử dụng thay thế hoàn toàn bản giấy.

100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Đến năm 2025, tối thiếu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân, tổ chức và đơn vị chỉ phải nhập dữ liệu một lần. Cắt giảm tối thiểu 20% thành phần hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước so với hiện nay. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%.

Đến năm 2030, 90% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%.

Về phát triển Chính phủ điện tử, mục tiêu được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 175 đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI). Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin và 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng.

Về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đó là phát triển thêm các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế mới dựa trên dữ liệu và đóng góp vào tăng trưởng tỷ trọng kinh tế số trong Tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo mục tiêu quốc gia “Đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 20% GDP, đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 về kinh tế số ở Đông Nam Á. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP”. Tham gia quan trọng vào phát triển nền kinh tế dữ liệu, bảo đảm mục tiêu kinh tế dữ liệu đóng góp vào GDP đất nước. Chính phủ cũng quy định đối tượng sử dụng dịch vụ của Trung tâm Dữ liệu quốc gia là các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp...

Để đảm bảo đề án thực hiện hiệu quả, Chính phủ yêu cầu đề án sẽ được chia thành 3 giai đoạn triển khai. Cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 2023 đến hết năm 2025 (giai đoạn xây dựng cơ sở); giai đoạn 2 từ năm 2026 đến hết năm 2028 (giai đoạn mở rộng) và giai đoạn 3 từ năm 2029 đến hết năm 2030 là giai đoạn phát triển. Tại Nghị quyết 175, Chính phủ cũng quy định phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng bộ, ngành, địa phương cũng như lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top