HĐND tỉnh thông qua 14 nghị quyết tại kỳ họp thứ 15

13:22 - Thứ Năm, 11/07/2024 Lượt xem: 4844 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XV, sáng 11/7, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục thảo luận tại hội trường, thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn; thảo luận thông qua các nghị quyết.

Đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XV.

Thảo luận về tình hình “Thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; chi trả dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2019-2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên”, đại biểu Mùa A Vảng, huyện Điện Biên Đông cho rằng việc chậm tiến độ giao đất, giao rừng do chồng chéo nhiều loại đất (đất nông nghiệp, đất rừng...); ngoài ra việc đền bù giải phóng mặt bằng là đất rừng không được đền bù, trong khi đất khai hoang, đất khác lại được đền bù giá cao hơn đất lâm nghiệp.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Hưng, thành phố Điện Biên Phủ cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với sự vào cuộc từ cấp thôn bản, nhất là các đồng chí bí thư, trưởng bản; cần khoanh vùng lại các khu vực tranh chấp để thực hiện sau.

Một số đại biểu khác cho rằng, những khó khăn vướng mắc một phần do tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, đất bạc màu thì bỏ đi nơi khác, để hoang từ 3 – 5 năm, thậm chí 10 năm; khi có người khác vào canh tác thì xảy ra tranh chấp giữa các hộ dân. Ngoài ra, do công tác quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, không phát hiện xử lý kịp thời, một số hộ dân lấn chiếm đất rừng làm nương; chưa xác định rõ nguồn gốc đất. Sự thay đổi chính sách pháp luật qua nhiều thời kỳ.

Liên quan đến lĩnh vực du lịch, đại biểu Bùi Anh Tiến, tổ đại biểu TP. Điện Biên Phủ cho rằng: Du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế; lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm nhiều nhưng lượng khách lưu trú thấp. Đề nghị UBND tỉnh ban hành các chính sách xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh để thu hút khách du lịch; các chính sách thu hút nhà đầu tư về du lịch; quan tâm đầu tư các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống…

Đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp.

Cùng ý kiến về lĩnh vực này, đại biểu Tẩn Thị Pen, tổ đại biểu huyện Tủa Chùa đề nghị cần đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang để xứng đáng tầm vóc là Khu du lịch Quốc gia. Cần quan tâm đến du lịch cộng đồng, vì đây là giải pháp tốt nhất để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và cảnh quan thiên nhiên.

Đối với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, các dự án chậm tiến độ, một số đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp quyết liệt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Giàng Thị Duyên, tổ đại biểu huyện Mường Nhé chất vấn lãnh đạo Sở Giao thông vận tải việc chậm thi công cầu Nậm Nhé II (sau gần 1 năm sự cố hư hỏng cầu), trách nhiệm thuộc về ai? Dự kiến thời gian hoàn thành, đưa cầu mới vào sử dụng và lưu thông? Phương án sửa chữa, khắc phục cầu tạm Nậm Nhé II sẽ được thực hiện như thế nào?

Đại diện lãnh Sở Giao Thông vận tải trả lời: Thời gian công trình được cấp có thẩm quyền cho phép chuẩn bị đầu tư đến khi khởi công công trình khoảng 6,5 tháng (từ 5/12/2023-28/5/2024) là phù hợp với các quy định về thời gian đối với các bước cần thực hiện của dự án có yêu cầu thiết kế 2 bước, phải thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Dự kiến thời gian hoàn thành, đưa cầu mới vào sử dụng và lưu thông, theo hợp đồng thi công đã ký, thời gian thực hiện hợp đồng là 135 ngày (kể từ ngày khởi công). Ngay sau khi khởi công công trình mặc dù chưa được bố trí vốn (mới được bố trí 450 triệu đồng/37,8 tỷ đồng), Sở đã yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát tính toán đường găng tiến độ làm cơ sở huy động máy móc thiết bị, nhân lực tập trung làm 3 ca liên tục, phấn đấu phần vượt lũ trong đầu tháng 7, đến nay toàn bộ 16/16 cọc khoan nhồi và 2 trụ T2, T3 ở vị trí giữa dòng đã thi công xong đang đổ xà mũ, đã xong 10/30 dầm. Dự kiến đến 25/7 sẽ lao nhịp đầu tiên, phấn đấu thông xe kỹ thuật của Dự án trước ngày 2/9/2024.

Đại biểu Giàng Thị Hoa chất vấn UBND tỉnh về nội dung quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

Đại biểu Giàng Thị Hoa, tổ đại biểu huyện Mường Ảng chất vấn UBND tỉnh: Hiện nay tình trạng người dân sử dụng thuốc trừ cỏ tương đối phổ biến, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, đất, cây trồng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người rất lớn. UBND tỉnh có chỉ đạo cụ thể nào kiểm soát chặt chẽ trong việc mua bán, sử dụng thuốc trừ cỏ chưa? Trong thời gian tới cần có những giải pháp hữu hiệu nào?

Trả lời nội dung này, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 422 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). UBND tỉnh đã chỉ đạo Cơ quan quản lý chuyên ngành (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý sử dụng thuốc BVTV; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV bằng nhiều hình thức. Xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, sinh thái, hạn chế tối đa sử dụng hóa chất đầu vào. Từ năm 2023 đến nay Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức thực hiện 8 cuộc kiểm tra các quy định của pháp luật đối với 190 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV (trong đó có thuốc trừ cỏ), kết quả kiểm tra cho thấy các sản phẩm thuốc trừ cỏ tại các cơ sở kinh doanh còn hạn sử dụng và nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam. Trong thời gian tới, để quản lý hiệu quả việc sử dụng thuốc trừ cỏ, giúp giảm thiểu tác động của thuốc trừ cỏ tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra các cơ sở buôn bán và người sử dụng thuốc trừ cỏ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc việc thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV.

Ngoài ra đại biểu HĐND tỉnh cũng chất vấn liên quan đến các lĩnh lực giáo dục và đào tạo; tài nguyên và môi trường; giải quyết việc làm… Lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã trả lời thỏa đáng.

Sau 1,5 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, khách quan, trách nhiệm cao, đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua 14 nghị quyết quan trọng. Đồng thời, HĐND tỉnh gửi các đại biểu nghiên cứu tham gia 11 nội dung và 3 báo cáo thẩm tra.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, nhấn mạnh việc để các Nghị quyết sớm đi vào thực tế đời sống và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2024, Chủ tịch HĐND tỉnh Lò Văn Phương đề nghị UBND tỉnh, các ngành, các cấp khẩn trương có kế hoạch cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung nghị quyết. Đại biểu HĐND tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát, nắm bắt tình hình, nguyện vọng cử tri và Nhân dân trong quá trình thực hiện.

Tin, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top