Vẫn thiếu giáo viên các môn chuyên biệt

08:45 - Thứ Năm, 23/03/2023 Lượt xem: 6219 In bài viết

ĐBP - Năm học 2022 - 2023, tỉnh ta thiếu 203 giáo viên các môn chuyên biệt (Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Việc thiếu hụt này gây ra nhiều khó khăn cho công tác giáo dục tại các địa bàn, đang được quan tâm tìm giải pháp khắc phục.

Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) chỉ có 1 giáo viên môn Tiếng Anh.

Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, huyện Mường Nhé hiện chưa có giáo viên môn Tin học. Thay vào đó, Hiệu trưởng - thầy Vũ Quang Huy là người trực tiếp phụ trách bộ môn này ở cả 3 lớp 3 (môn học bắt buộc). Để thực hiện nhiệm vụ, hè năm trước thầy đã tham gia lớp tập huấn ngắn hạn do ngành tổ chức. Thời gian tập huấn ngắn nên kiến thức lĩnh hội chỉ đảm bảo cơ bản các yêu cầu tối thiểu của bộ môn. Do là lãnh đạo nên số tiết thầy đứng lớp vượt nhiều so với định mức.

Tuy nhiên, theo thầy Huy thì năm học này việc tổ chức dạy và học vẫn diễn ra thuận lợi, đáp ứng chương trình. “Lo là năm học tới, dạy “đuổi” môn Tin học lên lớp 4 và có khối lớp 3 mới thì số lượng lớp và học sinh rất nhiều, một mình tôi không thể đảm bảo. Vì vậy cần có thêm giáo viên bộ môn hoặc kiêm nhiệm môn” - thầy Vũ Quang Huy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Không chỉ môn Tin học, việc triển khai môn Tiếng Anh cũng còn gặp nhiều khó khăn đối với Nhà trường. Trường bắt đầu dạy môn học này từ năm 2015 như là môn tự chọn và chỉ có 1 giáo viên bộ môn. Từ năm học 2022 - 2023, Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc với khối lớp 3, nhưng Trường vẫn chưa có phòng học bộ môn (đang trong quá trình đầu tư xây dựng). Thầy giáo Tiếng Anh - Lò Văn Dũng phải đi trực tiếp từng lớp. Ngoài giáo án thì hành trang thầy luôn mang theo là máy tính cá nhân và điện thoại thông minh. Vừa nói tiếng phổ thông kết hợp giới thiệu từ vựng tiếng Anh, đôi lúc thầy giáo lại phải sử dụng cả tiếng Mông (ngôn ngữ mẹ đẻ của phần lớn học sinh nơi đây) để truyền tải kiến thức.

Thầy Dũng bộc bạch: “Đây là năm đầu Trường dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3. Các em từ các điểm trường ở bản xuống trung tâm học, chưa từng làm quen với ngoại ngữ, nhiều em còn chưa sử dụng thành thạo tiếng phổ thông. Đây xem như là ngôn ngữ thứ 3 mà các em tiếp cận. Bởi thế, dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao lớp 3 rất nhiều trở ngại, khó khăn, vừa dạy vừa phiên dịch, giảng giải. Cũng bởi vậy năm nay tôi tập trung dạy cho các lớp 3, theo quy định là 4 tiết/tuần (tổng cả khối 12 tiết), còn thời gian, dạy thêm 2 tiết tự chọn/tuần cho lớp 4, 5 là đã vượt định mức”.

Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch có 472 học sinh. Trong đó có 3 lớp 3, với 88 em. Với các nỗ lực “lấp” khoảng trống về nhân lực, nhà trường đã triển khai đảm bảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Thầy giáo Vũ Quang Huy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Qua đánh giá kết quả học kỳ I cho thấy, 100% học sinh lớp 3 của nhà trường đã hoàn thành môn Tin học, Tiếng Anh. Riêng môn Tiếng Anh có gần 16% hoàn thành tốt. Với xuất phát điểm từ con số không thì đây là kết quả đáng mừng”.

Còn tại Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông), dù nằm ngay trung tâm huyện, song cũng gặp những vướng mắc tương tự. Trường chỉ có 1 giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học, nên giáo viên phải thực hiện số tiết/tuần vượt quá quy định. “Để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên, nhà trường không tổ chức dạy làm quen cho học sinh lớp 1, 2 mà tập trung toàn bộ cho chương trình lớp 3 bắt buộc. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, trường cũng không giao thêm nhiệm vụ nào cho giáo viên các môn này”, cô Nguyễn Thị Minh Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Điện Biên Đông, hiện nay trên địa bàn có 6 giáo viên môn Tiếng Anh phải dạy học liên trường, liên xã do thiếu giáo viên. “Đây là giải pháp tạm thời, cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên môn chuyên biệt trong năm học này. Tính theo quy định số tiết thì vẫn đáp ứng. Nhưng dự báo năm học sau, với việc tiếp tục triển khai chương trình mới lên đến các lớp cao hơn thì sẽ thiếu 15 - 16 giáo viên Tiếng Anh, đây là băn khoăn lớn của huyện” - ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT tạo huyện chia sẻ.

Đây cũng là nỗi lo chung của ngành GD&ĐT tỉnh ta. Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Nhiều giải giải khắc phục khó khăn đã được triển khai, như rà soát, xây dựng phương án, thực hiện điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu. Thực hiện phương án bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp đối với những giáo viên chuyên biệt tại các đơn vị thiếu nguồn tuyển. Hợp đồng giáo viên trong tổng chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao để bổ sung số lượng giáo viên.

Cùng với đó để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu giảng dạy, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, ngành tuyên truyền, vận động đội ngũ giáo viên trẻ học văn bằng 2; khảo sát số lượng sinh viên đã tốt nghiệp ra trường nhưng chưa có việc làm để có thông tin 2 chiều về nhu cầu tuyển dụng với định hướng đào tạo nâng cao, liên thông, văn bằng 2 nếu sinh viên có nhu cầu... Đến hiện tại đã mở được 1 lớp ngành Ngôn ngữ Anh với 30 học viên.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top