Cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai

08:32 - Thứ Tư, 22/06/2022 Lượt xem: 2570 In bài viết

ĐBP - Năm 2021, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh đạt 6,25 điểm, tăng 0,36 điểm so với năm 2020 (5,89 điểm), tăng 1 bậc, xếp hạng 59/63 tỉnh thành. Chỉ số tiếp cận đất đai năm 2021 có 14 chỉ tiêu, trong đó có 10 chỉ tiêu cũ và 4 chỉ tiêu mới. Trong số 10 chỉ tiêu cũ, một số chỉ tiêu đã được cải thiện nhiều về cả điểm số và xếp hạng như: “Số ngày chờ đợi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” tăng 55 bậc; “tỷ lệ doanh nghiệp có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có thủ tục hành chính rườm rà/lo ngại cán bộ nhũng nhiễu” tăng 45 bậc… Tuy nhiên, vẫn còn những chỉ tiêu bị giảm thứ hạng như: “Thông tin, dữ liệu về đất đai không được cung cấp thuận lợi, nhanh chóng” giảm 54 bậc; “tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục” giảm 12 bậc; “tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng” giảm 11 bậc; sự thay đổi bảng giá đất của tỉnh phù hợp với sự thay đổi giá thị trường giảm 5 bậc. Đối với 4 chỉ tiêu mới được đưa vào đánh giá có 2 chỉ tiêu có thứ hạng tốt và 2 chỉ tiêu thấp hơn điểm trung vị cả nước cần cải thiện trong thời gian tới. Như vậy, trong 14 chỉ tiêu đánh giá về chỉ số tiếp cận đất đai có 5/14 chỉ tiêu cao hơn hoặc bằng điểm trung vị cả nước, còn 9/14 chỉ tiêu thấp hơn điểm trung vị cả nước.

Thực tế cho thấy, năm 2021, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt song sự chuyển biến vẫn chưa đạt kỳ vọng. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới, nhưng kết quả đạt được chưa nhiều; việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho một số doanh nghiệp đôi khi còn thiếu quyết liệt. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, thực hiện thủ tục đất đai còn gặp nhiều khó khăn… Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi trong khi các văn bản hướng dẫn thi hành chậm được ban hành; tính đồng bộ quy định ở nhiều văn bản luật khác nhau chưa cao nên các doanh nghiệp khó tiếp cận. Một số quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh còn mâu thuẫn, chồng chéo, khó áp dụng. Chính sách đất đai thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, người dân có tâm lý chờ đợi tăng giá bồi thường không chịu bàn giao mặt bằng; nguồn gốc đất đai phức tạp dẫn đến khó khăn trong thực hiện các chính sách bồi thường; sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các đơn vị thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại tỉnh chưa chủ động và chặt chẽ.

Ông Vũ Ngọc Vương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Cải thiện, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai nhằm thu hút đầu tư là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng được UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Để chỉ số tiếp tục cải thiện, đặc biệt là các chỉ tiêu bị giảm điểm như: Khó khăn về thiếu quỹ đất sạch; giải phóng mặt bằng chậm; doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính đất đai trong 2 năm qua không gặp khó khăn… thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính về đất đai theo hướng thuận tiện, giảm bớt những thủ tục không cần thiết để rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính của các đơn vị đối với người dân, doanh nghiệp. Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh, trung tâm quản lý đất đai cấp huyện tiếp tục được kiện toàn, nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo phân cấp của Luật Đất đai và chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của Sở, UBND cấp huyện. Thông báo, công khai minh bạch trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền trên đất và trình tự thủ tục, thời gian thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, Sở tiến hành rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh đã ban hành, các quy định của Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất trong vùng đã được quy hoạch, các vùng ven đô thị, ven các thị trấn, thị tứ nằm trong tầm nhìn các quy hoạch phát triển đô thị đã được xác định. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách về giá đất trong đền bù giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top