Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn

07:23 - Chủ Nhật, 16/06/2024 Lượt xem: 5605 In bài viết

ĐBP - Nước sạch và vệ sinh môi trường là những yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho Nhân dân. Vì vậy, những năm qua, các cấp, ngành tỉnh luôn quan tâm đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khoẻ cho người dân.

Người dân bản Đun, xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Mường Đun.

Công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) được đầu tư từ năm 2006. Trước đây, công trình được giao cho chính quyền địa phương quản lý, nhưng hiệu quả không cao; đến năm 2021 Công trình đã được giao lại cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý và vận hành. Sau khi tiếp nhận công trình, Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cho việc cung ứng nước ổn định (sửa chữa, cải tạo công trình, đường ống dẫn nước, tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm…) Đến nay, công trình đang phục vụ gần 300 hộ dân trên địa bàn 3 bản Nà Sa, Túc và bản Đun, xã Mường Đun.

Là người sử dụng nước sinh hoạt được cung cấp từ công trình, ông Quàng Văn Văn, ở bản Đun phấn khởi cho biết: “Chúng tôi rất vui vì nguồn nước đảm bảo cho sinh hoạt. Sức khỏe của bản thân tôi và mọi người trong gia đình đều đảm bảo.”

Việc đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh được quan tâm, nhất là ưu tiên đầu tư cho khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh có gần 90% số hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 92,23% số hộ nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.040 công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn. Tỉ lệ công trình bền vững, tương đối bền vững chiếm gần 60%.

Gia đình ông Nguyễn Tiến Quang, thôn Đồi Cao, xã Thanh An (huyện Điện Biên) vay vốn Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư công trình nước sinh hoạt.

Cùng với đó, thời gian qua, việc tích cực triển khai thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giúp hàng chục nghìn hộ dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh được vay vốn để xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch và công trình nhà vệ sinh. Từ đó, góp phần giúp các địa phương hoàn thiện tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Những năm trước đây, gia đình ông Nguyễn Tiến Quang, thôn Đồi Cao, xã Thanh An (huyện Điện Biên) phải đi bộ hơn 100m xuống “lũng” để chở từng phi nước về cho sinh hoạt hàng ngày. Nước đã qua sử dụng trong sinh hoạt sẽ được tận dụng để tưới rau. Còn giặt giũ thì phải mang hết ra mương thủy lợi. Từ khi được tiếp cận nguồn vốn vay từ Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên, gia đình ông Quang đã đầu tư khoan giếng, xây bể, mua téc nước để có được nguồn nước sinh hoạt ổn định.

Ông Quang chia sẻ: Từ nguồn vốn 20 triệu đồng vay ngân hàng, cùng với tiền tiết kiệm của gia đình tôi khoan giếng, xây bể, mua téc nước, đầu tư dàn năng lượng mặt trời, bình lọc nước, nâng cấp nhà vệ sinh. Nhờ vậy, gia đình đã có nhà tiêu hợp vệ sinh và nước sinh hoạt hàng ngày đảm bảo. Không chỉ tạo thuận lợi cho sinh hoạt của gia đình mà chăn nuôi, trồng trọt cũng hiệu quả hơn trước. Gia đình tôi cũng vừa mua được máy giặt. Chất lượng cuộc sống được nâng lên rất nhiều.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên tuyên truyền chương trình cho vay ưu đãi về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến người dân.

Ông Bùi Văn Hiệp, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đồi Cao cho biết: Toàn thôn có đến 80% số hộ đã và đang sử dụng nguồn vốn vay từ Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn này, các hộ gia đình đã có điều kiện đầu tư xây mới hoặc tu bổ, nâng cấp các công trình nước sạch và nhà vệ sinh.

Tính đến 30/5, Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có tổng dư nợ gần 211 tỷ đồng, với hơn 11.000 khách hàng dư nợ.

Nguồn vốn vay không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, mà thực hiện hiệu quả chương trình này còn góp phần quan trọng vào tiến trình hoàn thiện tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống và nhận thức của người dân, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn văn minh, hiện đại.

Các công trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn giúp nâng cao đời sống nhiều hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số.

Qua khảo sát nhu cầu của người dân với mức vay là 20 triệu đồng từ chương trình còn thấp so với thực tế. Bà con mong muốn được nâng mức vay vốn, đặc biệt là các xã vùng cao, vùng vùng xa - luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, vệ sinh môi trường không đảm bảo - được sử dụng nhiều hơn những tiện ích trong sinh hoạt.

Giải quyết nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường là một vấn đề rất lớn, đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới các cấp, ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, triển khai thực hiện các dự án cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn; có biện pháp ngăn ngừa, cải thiện kịp thời các nguy cơ, rủi ro đến chất lượng nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là khu vực vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe, vệ sinh môi trường; tích cực tham gia bảo vệ công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top