Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

11:22 - Thứ Năm, 13/06/2024 Lượt xem: 4369 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (13/6), Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Đại biểu dự hội nghị.

6 tháng đầu năm, với sự đổi mới, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự cố gắng, trách nhiệm của cán bộ, kiểm sát viên, Viện KSND 2 cấp tỉnh Điện Biên đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử ngày càng được nâng cao; chất lượng xét hỏi, tranh luận của kiểm sát viên tại các phiên tòa được tăng cường. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp.

Viện KSND 2 cấp đã thực hiện 129/130 chỉ tiêu nghiệp vụ; trong đó có 49 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đã thụ lý kiểm sát 325 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Giải quyết 243 tin, trong đó ra quyết định khởi tố 100 tin; không khởi tố 111 tin, tạm đình chỉ 24 tin, chuyển nơi khác 8 tin và đang giải quyết 82 tin. Viện KSND 2 cấp đã ban hành 273 bản yêu cầu kiểm tra, xác minh giải quyết tố giác tội phạm. Trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự đã thực hiện 983 vụ, 1.103 bị can (tăng 34 vụ, 66 bị can so với cùng kỳ); cơ quan điều tra đã giải quyết 681 vụ, 792 bị can, trong đó đề nghị truy tố 620 vụ với 747 bị can, đạt trên 91%; phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án xác định 158 vụ, 169 bị can là án điểm (vượt chỉ tiêu 17,4%).

Đồng chí Phan Văn Kỷ, Viện trưởng Viện KSND tỉnh thống nhất các nội dung nhiệm vụ thời gian tới.

Hội nghị đã thảo luận về kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế; đề xuất các giải pháp để tiếp tục nâng cao công tác thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong thời gian tới, như: Tập thể lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ, tăng cường vai trò, trách nhiệm nêu gương; tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Mỗi kiểm sát viên, kiểm tra viên tham gia trực tiếp phải nghiên cứu các văn bản nghiệp vụ của cả 2 khâu công tác, nghiên cứu các dạng vi phạm để tham gia trực tiếp kiểm sát. Lãnh đạo mỗi đơn vị cần chỉ đạo sát sao đi đôi với kiểm tra; gắn trách nhiệm của từng cán bộ, công chức với nhiệm vụ được giao; nắm thông tin vi phạm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp từ nhiều nguồn…

Hội nghị đã thống nhất 7 nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm sát, đảm bảo kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra ngay từ khi thụ lý nguồn tin về tội phạm; kiểm sát chặt chẽ hoạt động xét xử của tòa án, các bản án, quyết định của tòa án để ban hành kiến nghị, kháng nghị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời khắc phục sai phạm, thiếu sót, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tin, ảnh: Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top