Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Mường Nhé hướng đến phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững

06:03 - Thứ Tư, 08/06/2022 Lượt xem: 2634 In bài viết

ĐBP - Huyện Mường Nhé hiện có hơn 125.000ha rừng và đất lâm nghiệp (chiếm trên 80% diện tích tự nhiên), riêng diện tích đất trống chưa có rừng trên 43.000ha, rất đất thuận lợi cho phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua việc phát triển kinh tế lâm nghiệp của huyện vẫn còn hạn chế. Công tác giao đất, giao rừng còn chậm; ý thức bảo vệ rừng của một số cộng đồng được giao rừng còn chưa cao. Các mô hình trình diễn về nông - lâm kết hợp, bảo vệ rừng kết hợp với cải thiện sinh kế còn ít.

Mặc dù có tiềm năng lớn, song đến nay việc phát triển cây đa mục đích vừa có tác dụng phòng hộ vừa có giá trị kinh tế, cây dược liệu dưới tán rừng còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa có chính sách khuyến khích phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây đa mục đích, cây dược liệu trên đất lâm nghiệp... Trước thực trạng đó, đặc biệt là căn cứ vào các nghị quyết liên quan đến phát triển rừng của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực chỉ đạo giao đất, giao rừng trên địa bàn các xã; xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật và mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật. Tích cực thực hiện việc cắm bổ sung mốc ranh giới 3 loại rừng trên cơ sở kết quả rà soát ba loại rừng theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; khuyến khích các hộ, nhóm hộ dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng, đầu tư phát triển kinh tế rừng để phát triển bền vững.

Bà Mùa Thị Mỷ, bản Mường Toong 1, xã Mường Toong chăm cây sóc sa nhân dưới tán rừng của gia đình.

Trên tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ huyện, sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương; hiện nay, phát triển kinh tế từ rừng là hướng đi đã được nhiều người dân lựa chọn, nhất là mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng. Hiện nay, riêng cây sa nhân tím toàn huyện có khoảng 134ha; tập trung chủ yếu ở các xã: Sín Thầu (50ha), Nậm Kè (26ha), Huổi Lếch (20ha), Pá Mỳ (12ha)...

Bà Mùa Thị Mỷ, bản Mường Toong 1, xã Mường Toong chia sẻ: Nhiều năm trước, tôi cũng như nhiều người dân trong bản chưa hiểu rõ giá trị kinh tế mà rừng mang lại, chưa biết tận dụng để phát triển kinh tế dưới tán rừng nên đời sống quanh năm còn khó khăn. Từ khi được cán bộ xã vận động, gia đình tôi đã trồng gần 1,5ha sa nhân tím dưới tán rừng. Cây đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tôi hi vọng, từ loại cây này sẽ mang lại cuộc sống ổn định cho 6 nhân khẩu của gia đình.

Theo kinh nghiệm từ người dân, cây sa nhân tím rất dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Rễ cây lan tới đâu thì diện tích sa nhân cũng được mở rộng tới đó; nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm. Phát triển cây sa nhân dưới tán rừng, đến nay vẫn đang là hướng kinh tế lâm nghiệp phù hợp với địa phương.

Không chỉ phát triển kinh tế từ cây sa nhân, Mường Nhé hiện đang tiếp tục duy trì chăm sóc 600ha cây mắc ca, 1.177ha cây cao su đại điền và 25ha cao su tiểu điền. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp đề ra là phấn đấu đến năm 2025 thu hút được 2 dự án khai thác quỹ đất lâm nghiệp để trồng 13.500ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất bằng cây trồng đa mục đích (mắc ca, dổi, cây dược liệu, cây trồng khác có giá trị kinh tế cao). Đối với cây mắc ca, theo báo cáo của lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc, hiện nay đất quy chủ tích tụ được 2.700ha; phấn đấu đến hết năm 2022 dự kiến sẽ trồng hơn 700ha và dự kiến năm 2023 trồng được 2.450ha.

Dưới sự lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy, sự điều hành chính quyền địa phương, có thể thấy rằng, Nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Nhé đang dần đi vào cuộc sống. Đến nay, cơ bản, các mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết đề ra đang đi theo lộ trình dưới sự đồng thuận, nhất trí cao từ phía nhân dân.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top